(GLO)- Dù bận rộn trong những ngày cuối năm, nhưng cứ mỗi độ Tết đến, Xuân về người người, nhà nhà lại lo trang hoàng nhà cửa, bày mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên và thứ không thể thiếu trong 3 ngày Tết chính là các loại bánh cổ truyền như bánh in, bánh thuẫn, bánh tét, bánh chưng, mức các loại... Để có được các loại bánh này, nhiều nhà chọn mua ở các chợ, siêu thị, nhưng cũng có không ít người vẫn muốn giữ lại nét đẹp văn hóa Việt trong gia đình bằng cách chọn mua nguyên liệu rồi cả nhà cùng quây quần nấu, gói trong niềm yêu thích của con cháu.
Người dân mua lá dong trên đường Trần Phú-TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Giác |
Dù đã xa quê hương Quảng Ngãi 50 năm, nhưng khi những ngày Tết cận kề thì cụ Trương Văn Trí, 73 tuổi cùng vợ là bà Dương Thị Lai, 69 tuổi, hiện đang sinh sống trên đường Hùng Vương, TP. Pleiku lại tất bật với công việc phơi sương, đón nắng cho từng nong bột, rỗ kiệu hay ngâm nếp, đãi đậu, xếp lá chuối để thực hiện công việc quen thuộc gói bánh tét rồi thức trông, châm nước thêm lửa cho nồi bánh được chín đều. Những việc này dù khá nhọc so với tuổi của hai cụ, nhưng để con cháu thấy được nét Tết quê vẫn còn ở phố rồi học và làm theo đó chính là niềm vui giúp hai cụ duy trì thường xuyên việc làm bánh mứt ngày Tết trong mấy chục năm qua.
Có mặt tại nhà, hai cụ tỏ ra rất vui khi thấy có người hỏi thăm cái công việc mà mình đã làm suốt 50 cái Tết qua, cụ Trí cho biết: Ở quê, dòng họ của bác có 6 chi họ, khi có giỗ chạp mỗi chi đảm trách một nhiệm vụ khác nhau như làm bánh ít, bánh tét… riêng gia đình bác làm bánh nỗ, bánh in. Riêng chuyện sắp xếp, mua nguyên liệu hay gói, làm bánh, mức phần lớn do mẹ của bọn nhỏ làm, tôi chỉ phụ làm khâu nén bánh in cho chặt giúp bánh cứng, không bị vỡ vụn khi ăn, đó là nghề của mình mà. Trên phố, mấy ngày nay nhộn nhịp cái gì cũng có, nhiều nơi làm bánh, kiệu nhìn rất đẹp nhưng không biết chất lượng thế nào rồi còn chuyện thực phẩm không đảm bảo nên bà chỉ mua về làm cho hợp ý mình, phần để cúng tổ tiên số còn lại chia cho các con mang về nhà đãi bạn bè ba ngày Tết-ông Trí cười nói.
Ông bà Trí-Lai chuẩn bị là chuối để gói bánh tét. Ảnh: Nguyễn Giác |
Theo kinh nghiệm nhiều năm làm bánh, mứt và các loại dưa kiệu của bà Lai thì: để dưa kiệu được ngon, trắng cần phải phơi, ngâm tro rồi rửa nước thật sạch, nấu nước mắm đường đổ ngâm sẽ giúp cho kiệu được để lâu; còn với các loại bánh in, bánh thuẫn phải hài hòa giữa các lượng đường, bột, trứng hay cả các loại hương vị để bánh làm ra cứng nhưng ăn thấy vẫn mềm, hương vị thơm. Loại bánh, mứt nào đã chuẩn bị phải rất kỳ công, nhưng với bánh tét, bánh chưng ngoài việc gói bánh theo sở thích của từng nhà thì chuyện trông lửa, nước và thời gian phải đảm bảo một ngày một đêm mới giúp cho bánh được chín đều, nếp dẻo không bị cứng vì chưa đủ thời gian nở.
Khi tìm hiểu và viết về nét Tết quê khi những ngày Tết đến, trông thấy những mẽ bánh thuẫn thơm phức lần lượt ra lò, điều này khiến không ít người và cả người viết như quay ngược về thời gian của hơn chục năm trước khi Tết đến mỗi nhà còn ngồi chụm lại nói chuyện thâu đêm để thức canh những nồi bánh tét, bánh chưng hay đám trẻ vây quanh lò bánh thuẫn, không phải để xem bà hay mẹ đổ bánh mà chờ những mẻ bánh mới ra lò có cái bị quá lửa cháy khét để được ăn, có khi lén lút cố tình thổi lửa trên nắp khuôn cho thật nóng làm hỏng cả khuôn bánh và đó là chiến lợi phẩm mà cả bầy trẻ có được sau nhiều lượt bánh.
Ngày nay, nhiều gia đình vì công việc bộn bề nên việc bọn trẻ chỉ trông thấy sản phẩm bánh mứt, có nhà cũng không còn dùng đến các loại bánh cổ truyền nên không nhận ra chiếc bánh thuẫn, bánh in sẽ có hình dạng như thế nào. Để giúp lớp trẻ cũng như nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến nét văn hóa cổ truyền cùng phong tục đổ, đúc bánh thờ cúng tổ tiên là như thế nào, mới đây, ngày 3-2, tại Bảo tàng Dân Tộc Học Việt Nam (Hà Nội) có tổ chức chương trình “Tết Việt Nam 2013” với sự tham dự của hơn 100 sinh viên nước ngoài đang học tập và làm việc tại Việt Nam.
Người dân mua bánh chưng, dưa kiệu muối bày bán sẵn trên phố. Ảnh: Nguyễn Giác |
Các sinh viên nước ngoài đang học tập tại Việt Nam đã được tìm hiểu và trải nghiệm về những nét đẹp văn hóa truyền thống của cộng đồng người Việt trong dịp Tết cổ truyền. Bên cạnh việc giới thiệu cho du khách hiểu rõ về tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam qua những phong tục ngày Tết như nghi lễ cúng tiễn ông Táo về trời, lễ cúng Tất niên, cúng Giao thừa thì khách tham quan còn trực tiếp tham gia các hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa của người Việt như: gói bánh chưng, bánh tét, nặn tò he, viết thư pháp, vẽ tranh Đông Hồ, múa rối nước…
Đây là hoạt động thường xuyên được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam tổ chức, còn tại tỉnh ta dù có không ít lần những người có tâm huyết đề nghị và cả việc thuyết phục các điểm du lịch lớn, nhỏ tổ chức mời các nghệ nhân, người có kinh nghiệm về tổ chức trình diễn và cho lớp trẻ có được trải nghiệm, hiểu thêm về nét văn hóa của Tết Việt nhưng đều nhận được cái lắc đầu, kêu khó.
Trong xu thế hội nhập và phát triển như hiện nay, để văn hóa Việt tồn tại và phát huy bản sắc theo đúng nghĩa rất cần sự chung tay bảo tồn của cả các cơ quan chuyên môn lẫn các doanh nghiệp, công ty du lịch tại các địa phương.
Nguyễn Giác