Báo xuân

Giữ hồn chiêng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là đội cồng chiêng nhí tại làng Mơ Hra (xã Kông Lơng Khơng, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) dưới sự đào tạo của nghệ nhân Đinh HMưnh. Tuy còn nhỏ tuổi (từ 12 đến 16) nhưng các em đã nhuần nhuyễn từng điệu chiêng truyền thống, được kỳ vọng là những người tiếp nối, lưu giữ văn hóa cồng chiêng.
 

  Biểu diễn cồng chiêng.        Ảnh: Đ.T
Biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Đ.T

Hẹn trước nên khi chúng tôi đến làng Mơ Hra đã gặp đội cồng chiêng nhí gồm 12 thành viên đang hăng say luyện tập bài chiêng “Mừng lúa mới” trầm bổng trong sự thán phục của những người lớn tuổi.

Bắt chuyện với Đinh Văn Mường (10 tuổi) là thành viên của đội cồng chiêng nhí của làng, em cho biết: Sau các buổi học văn hóa ở trường hay lên rẫy phụ giúp ba mẹ, về đến nhà là các em tập trung tại nhà văn hóa của làng để tập luyện. Lúc lên 9 tuổi, già Đinh HMưnh đến nhà bảo em học đánh chiêng để già dạy. Từ nhỏ em rất thích đánh chiêng, nên khi có người truyền dạy là em đồng ý ngay”. Trong số các thành viên của đội, Mường trẻ nhất, nhưng được đánh giá là tay chiêng nổi trội nhất bởi chơi được tất cả các bài chiêng. Còn với em Đinh Văn Bé (12 tuổi) tình yêu cồng chiêng vượt trên tất cả. Lúc mới học em mượn chiêng về nhà tập đánh suốt đêm. Nhà nghèo nên Bé phải nghỉ học sớm, hàng ngày phụ gia đình làm nương rẫy. Lúc được già Đinh HMưnh truyền dạy cồng chiêng, cậu từ chối vì… lười. Sau được già Đinh HMưnh kiên trì thuyết phục, cậu mới gật gù đồng ý. Những ngày đầu, Bé đến lớp khá đều đặn, nhưng sau thì thưa thớt dần. Đến lúc đội cồng chiêng tập dượt để chuẩn bị đi diễn, Bé đánh nhầm điệu nên bị cả nhóm trêu.

“Lúc ấy em rất ngại, quyết học cho bằng bạn bè. Em mượn chiêng về nhà luyện tập. Lúc nào rảnh là tập. Điệu nào không biết, em đến tận nhà gặp già Đinh HMưnh hỏi. Nhờ thế em đã tiến bộ, bây giờ đánh thành thạo, không thua bất cứ ai”-Bé nói với chúng tôi.

Nằm ven dãy Lơng Khơng hùng vĩ, nơi có 2 dòng suối HLơ và Chư Pâu uốn lượn, thứ bảy và chủ nhật từ 7 giờ đến 9 giờ tối tiếng cồng, tiếng chiêng của đội chiêng nhí đều đặn vang lên, mang hơi thở của ngàn xưa, góp phần giữ gìn, tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc, để tiếng cồng, chiêng vang vọng truyền từ đời này sang đời khác. Đó là thành quả của Đinh HMưnh. Ông tâm sự: Cồng chiêng ăn sâu vào tâm khảm của ông. 10 tuổi ông đã biết đánh chiêng. Mỗi lần làng có lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới... ông càng đắm say và càng yêu quý cồng chiêng”.


 

Mong ước lưu truyền điệu chiêng truyền thống của ông gửi gắm vào thế hệ trẻ đã thôi thúc ông hình thành đội cồng chiêng nữ của làng vào đầu năm 2015. Hàng ngày, chị em vẫn đi làm rẫy, tối đến tập trung về nhà rông của làng tập luyện. Tuy không có được sự khỏe khoắn, mạnh mẽ như đội cồng chiêng nam nhưng cách đánh nhịp nhàng, uyển chuyển của đội cồng chiêng nữ đã tạo sự độc đáo trong phong trào gìn giữ và bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng. Đánh chiêng đối với nam đã khó, càng khó hơn đối với nữ, ngoài việc phải có một sức khỏe dẻo dai thì còn phải biết cảm nhận được hết thần thái, biểu cảm của từng nhịp chiêng, vì đó là vẻ đẹp tâm hồn người Bahnar.

Thời gian gần đây do môi trường sinh sống đã thay đổi nên một bộ phận lớp trẻ ở các buôn làng không còn mặn mà với cồng chiêng nữa. Làm gì để khôi phục, gìn giữ và phát huy văn hóa cồng chiêng? “Dạy cho bọn trẻ biết đánh chiêng thành thạo không đơn giản. Phải nhiệt tình, nóng tính, vội vàng “đi tắt đón đầu” thì thất bại. Dạy đánh chiêng phải khơi dậy các em niềm “mê” chiêng”, từ “mê” mới “say” chiêng được...”. Lúc đầu, các em tập làm quen với chiêng, chỉ có vài em theo học, nhưng sau đó được sự khích lệ của người già, các em tham gia càng đông”-già Đinh HMưnh chia sẻ.

Ông Đinh Văn Lum-Phó Chủ tịch UBND xã Kông Lơng Khơng, cho biết: “Xã có 12 thôn, nhưng chỉ có 1 đội chiêng nhí của làng Mơ Hra. Đội chiêng này ngoài biểu diễn trong làng, xã thì còn tham gia các cuộc thi cấp huyện, tỉnh. Các em được kỳ vọng tiếp nối thế hệ cha ông tiếp tục giữ gìn văn hóa cồng chiêng”.

Anh Khoa

Có thể bạn quan tâm