Thời sự - Bình luận

Giữ lấy sự đa dạng văn hóa của đồng bào

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tính đa dạng văn hóa của văn hóa các tộc người làm nên bức tranh đa sắc của văn hóa dân tộc. Cần tôn trọng và bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong nhận thức và quan niệm của người xây dựng chính sách và thực hiện chính sách ở vùng đồng bào các dân tộc thiểu số. Điều này góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững văn hóa.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh.
Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên - Di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh.


Vẫn còn nhiều ảnh hưởng từ “thuyết tiến hóa văn hóa”

“Thuyết tiến hóa văn hóa” đưa ra quan điểm “xuyên suốt”: Loại bỏ những gì “lạc hậu”, “tiêu cực”, phát huy những gì “tích cực” khi thực hành văn hóa truyền thống. Các nhà quản lý văn hóa (thường có thói quen) cho rằng họ có thể can thiệp vào những hoạt động văn hóa của cộng đồng và quy định những hoạt động nào “có giá trị cần bảo tồn”, những hoạt động nào là” mê tín dị đoan”, “lạc hậu”, “tốn kém” và cần xóa bỏ1.

Trong một thời gian dài, quan điểm “bảo tồn có chọn lọc” vô hình trung tạo ra nhiều rào cản trong việc bảo tồn các di sản văn hóa. Chỉ một số di sản và những hoạt động thực hành văn hóa được đánh giá “tốt” mới được lựa chọn để khuyến khích bảo tồn, những gì bị coi là “lạc hậu”, “rườm rà” được khuyến khích xóa bỏ.

Cái nhìn phân chia cao - thấp tác động sâu sắc đến nhận thức chung của cả xã hội khi nó trở thành cơ sở trong việc xây dựng chính sách. Những ngôn từ không tích cực đi kèm theo đó như “lạc hậu”, “không văn minh”, “kém phát triển”, “mất vệ sinh”, “lãng phí”, “nhận thức thấp”, “mê tín dị đoan”… thậm chí còn tạo ra sự suy diễn mang tính phân biệt, sai lệch và tiêu cực rằng “miền núi lạc hậu, không văn minh bằng miền xuôi” mà quên rằng: Trong văn hóa không phân chia cao - thấp và người ta tôn trọng sự khác nhau.

Một khía cạnh khác là hệ quả của cách nhìn “phát triển văn hóa đơn tuyến” là đại đa số chỉ là khách du lịch, nhưng đánh giá, bình phẩm, thậm chí đòi “sửa” di sản bởi cho rằng chi tiết này, hoạt động kia là “phản cảm”, là “dã man”, là “lạc hậu”… cũng đã gây ra những tranh cãi, xung đột không mong muốn.

Giữ gìn sự đa dạng văn hóa vì tương lai phát triển

Nền văn hóa sẽ nhạt nhòa, nghèo nàn và thiếu bản sắc, không thể phát triển bền vững nếu không có tính đa dạng văn hóa. Khi thiếu những lễ hội, những phong tục cổ truyền, những tri thức bản địa đặc trưng và đặc sắc của các dân tộc, các tour du lịch khám phá văn hóa sẽ “chết”. Điều này còn kéo theo nhiều hệ lụy đi xuống của cả kinh tế và văn hóa.

Điều 1 của bản Tuyên ngôn toàn cầu về đa dạng văn hóa của tổ chức UNESCO (2001) đã nhấn mạnh: “Là một nguồn trao đổi, cải tiến và sáng tạo, sự đa dạng văn hóa đối với nhân loại cũng cần thiết như sự đa dạng sinh học trong trật tự cơ thể sống vậy. Với ý nghĩa đó, đa dạng văn hóa là di sản chung của nhân loại và phải được thừa nhận và khẳng định vì lợi ích của các thế hệ ngày nay và mai sau”.

Trong quá trình phát triển, thách thức lớn nhất chính là sự cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, hiện đại hóa. Sự phát triển du lịch tạo ra những điều kiện cho sự hồi sinh và phát triển của nhiều thực hành văn hóa cổ truyền. Tuy nhiên, sự phát triển của du lịch cũng làm biến đổi một số loại hình văn hóa thành hàng hóa vì mục đích kinh tế đồng thời làm mất đi không gian tâm linh cho tinh thần của văn hóa tồn tại.

Một thí dụ có thể dễ thấy: “Không gian văn hóa cồng chiêng” không hề có trong vài tiết mục được tổ chức để các em thiếu niên trình diễn cho khách du lịch. Các em thiếu niên tham gia những nhóm biểu diễn do các “Câu lạc bộ cồng chiêng” tổ chức chỉ cần nhanh chóng “học” vài bài chiêng “vui” nhất là được du khách hoan nghênh (và sẵn lòng trả tiền). Việc đơn giản hóa việc biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch trong các “Câu lạc bộ cồng chiêng” đang loại bỏ những nghệ nhân, những già làng còn thuộc nhiều bài chiêng ra khỏi việc truyền dạy theo kiểu truyền khẩu và làm “nhạt” dần không gian văn hóa cồng chiêng đã từng “sống”.

Bên cạnh những giá trị tư liệu - lịch sử - văn hóa của những vật phẩm, những di sản văn hóa phi vật thể cũng là nguồn hấp dẫn lớn với du khách, làm tăng lượng khách tới để tìm hiểu, chiêm ngưỡng, thưởng thức. Bản sắc văn hóa nhạt nhòa và mất dần cũng đồng nghĩa với việc mất đi sức hấp dẫn với số đông du khách muốn tìm hiểu văn hóa, phong tục bản địa. Điều này đã diễn ra nhiều ở các tỉnh “vùng xuôi” và cũng dần hiện hữu với các tỉnh miền núi. Trên một số mặt báo đã có những phàn nàn của du khách cả trong và ngoài nước khi họ tới với những kỳ vọng như lời quảng cáo, nhưng khi tham gia du lịch cộng đồng tới các bản làng, trải nghiệm du lịch sinh thái hay ghé thăm các khu di tích lịch sử đều thấy các sản phẩm du lịch gần như giống nhau. Du khách dù muốn cũng khó phân biệt được những nét đặc trưng hay bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc thiểu số.

Việt Nam là đất nước đa văn hóa, với sự đa dạng về địa hình, sự phong phú về đường nét văn hóa của các dân tộc thiểu số. Văn hóa các tộc người đều bình đẳng, không thể phân biệt “văn hóa cao” và “văn hóa thấp”, không nên coi văn hóa của tộc người nào đó là “lạc hậu”. Tính đa dạng văn hóa không chỉ góp phần làm giàu kho tàng chung của văn hóa Việt Nam mà còn là nhân tố quan trọng để phát triển bền vững. Sự đa dạng văn hóa có thể tạo động lực cho phát triển kinh tế đa ngành, liên ngành và cả liên vùng. Trực tiếp và thấy hiệu quả ngay với “ngành công nghiệp không khói” là một ngành kinh tế đa ngành, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Các chuỗi sản phẩm văn hóa làm giàu cho sự phát triển của du lịch không chỉ nằm trong một giới hạn hành chính nhỏ hẹp (huyện, tỉnh) mà có thể/sẽ phải vươn ra và vươn lên ở mức vùng, miền thậm chí xuyên quốc gia. Cần phát triển “điểm du lịch” thành “vùng du lịch” - dựa trên “vùng văn hóa”, “vùng dân tộc”.

Cần đổi mới nhận thức và quan điểm chỉ đạo khi phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội vùng đồng bào các dân tộc thiểu số trên cơ sở bảo vệ và khai thác thế mạnh của sự đa dạng văn hóa ở đây - chúng ta sẽ thu được lợi ích “kép”, vừa bảo vệ, vừa phát huy được sức mạnh văn hóa.


https://nhandan.vn/baothoinay-vanhoavannghe/giu-lay-su-da-dang-van-hoa-cua-dong-bao-696523/

Theo THIÊN PHƯƠNG (NDĐT)

Có thể bạn quan tâm