Tháng 7.2016, trong một cuộc họp Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào thời điểm ấy đã hỏi lãnh đạo các tỉnh Tây nguyên: “Các đồng chí có kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên không?”.
Dĩ nhiên, lãnh đạo các tỉnh lúc ấy đều đồng thanh đáp: “Có!”. Riêng lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng còn khẳng định rằng: “Với các giải pháp đã triển khai, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng tin tưởng là rừng Tây nguyên vẫn sẽ giữ được diện tích như yêu cầu của Chính phủ” (theo Báo Lâm Đồng ngày 30.10.2017). Vị lãnh đạo tỉnh này còn nói thêm là tỉnh đã chỉ đạo chủ tịch UBND các xã là một tuần phải đi kiểm tra rừng một lần, còn chủ tịch các huyện thì một tháng phải đi kiểm tra rừng hai lần.
Hơn 5 năm qua, không biết có bao nhiêu vị chủ tịch huyện và chủ tịch xã ở tỉnh Lâm Đồng đã đi kiểm tra rừng một tháng hai lần và mỗi tuần một lần như vị lãnh đạo nọ đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ không? Và liệu lãnh đạo tỉnh có kiểm tra thuộc cấp của mình thực hiện sự chỉ đạo ấy nghiêm túc đến đâu? Quả thật rất khó để kiểm chứng vì “mệnh lệnh” ấy nặng tính hình thức hơn là thực chất. Chỉ tính riêng H.Lạc Dương đã có 116.000 ha rừng thì việc nửa tháng một lần ông chủ tịch huyện phải đi kiểm tra, quả là chuyện không tưởng.
Sau một nhiệm kỳ báo cáo trước Chính phủ, mới đây, lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng lại “nhắc lại” câu chuyện đi kiểm tra rừng của chủ tịch các xã và các huyện một lần nữa.
Cũng nặng tính hình thức như giải pháp trên, việc điều chuyển cán bộ xã và lực lượng kiểm lâm sang địa bàn khác do để mất rừng mà tỉnh Lâm Đồng thực hiện trong thời gian qua, cũng không mang lại hiệu quả gì nhiều. Bằng chứng là mỗi năm ở Lâm Đồng vẫn xảy ra hàng chục vụ phá rừng với quy mô và hình thức ngày càng tinh vi hơn. Điều ngạc nhiên là phần lớn các vụ phá rừng đều do người dân phát hiện chứ không phải hoàn toàn là những người được giao nhiệm vụ giữ rừng, càng không có ông chủ tịch huyện hoặc xã nào đi kiểm tra hằng tháng mà phát hiện.
Giao rừng cho các hộ dân quản lý thì rừng tự nhiên chuyển thành rừng… cà phê, hồ tiêu; giao rừng cho doanh nghiệp thì rừng nguyên sinh thành “rừng nghèo”, phá đi trồng lại cây khác; kiểm lâm thì thường than thiếu người nên quản không hết; bên giao thông mở tuyến đường mới thì cứ nhắm vào giữa rừng quốc gia mà phóng tuyến, vô tình tạo điều kiện cho lâm tặc vận chuyển gỗ lậu… Có lẽ đã đến lúc các nhà quản lý nên tính phương án khác quyết liệt hơn: cách chức, khởi tố, truy tố… chứ cứ duy trì các giải pháp như điều chuyển cán bộ xã và lực lượng kiểm lâm đi nơi khác nếu để mất rừng; hay chủ tịch xã, chủ tịch huyện phải đi kiểm tra rừng hằng tuần, hằng tháng như lâu nay thì những cánh rừng vẫn sẽ còn tiếp tục “xuống tóc” và hóa thân vào truyện cổ tích mà thôi.
Theo Trần Đăng (TNO)