Thời sự - Bình luận

Giữ sản xuất, vững niềm tin

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngay sau khi dịch Covid-19 lắng xuống ở Bắc Ninh, Bắc Giang vào cuối tháng 5-2021, đồng thời việc cho phép một số nhà máy mở cửa sản xuất trở lại, công nhân (CN) nhà máy tại các KCN ở 2 tỉnh này cũng được tiêm vắc-xin với con số dự kiến 240.000 người.

Tại TP HCM vào cuối tháng 6-2021, bắt đầu tiêm vắc-xin cho CN một số nhà máy ở Khu công Nghệ cao, ở các KCX, KCN với con số dự kiến tiêm cho 320.000 CN.


 

 500 nhân viên của Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM là những người đầu tiên thuộc khối sản xuất tại TP được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào hôm 19-6 - Ảnhh: Hoàn Triều
500 nhân viên của Công ty FPT Software tại Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức, TP HCM là những người đầu tiên thuộc khối sản xuất tại TP được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 vào hôm 19-6 - Ảnhh: Hoàn Triều


Tiêm vắc-xin chắc chắn là một trong những giải pháp cần thiết, quan trọng để phòng chống dịch Covid-19 trong toàn dân. Với các doanh nghiệp (DN), tiêm vắc-xin cho CN là giải pháp hàng đầu để có được đội ngũ lao động khỏe mạnh, bảo đảm duy trì sản xuất, cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng trong nền kinh tế.

Thế nhưng đến nay, nguồn vắc-xin vẫn chưa thể bao phủ đến lực lượng lao động cả nước, nhất là tại TP HCM và các tỉnh, thành phố có nhiều KCN với số lượng CN tập trung đông đảo, còn tỉ lệ lớn CN chưa được tiêm vắc-xin vì nhiều lý do.

Mới đây, các hiệp hội DN đều kiến nghị cơ chế hỗ trợ mua vắc-xin để tiêm cho CN trong ngành, nhất là tiêm vắc-xin cho những DN thực hiện "3 tại chỗ". Nếu DN nào đã đạt được 2 mũi tiêm cho CN thì có thể áp dụng cho CN đi và về với những tiêu chí phòng dịch, thay vì phải "3 tại chỗ". Riêng mô hình "3 tại chỗ" đã bộc lộ những điểm không phù hợp thì phải khẩn trương khắc phục để có mô hình khả thi hơn.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhìn nhận vấn đề sống còn của các DN chính là duy trì chuỗi cung ứng nguyên vật liệu sản xuất hàng hóa nhưng đồng thời phải bảo đảm duy trì cung ứng lao động. Trong các kiến nghị và đề xuất với Chính phủ về phục hồi sản xuất, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đề nghị ngoài việc tiêm vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu, đối tượng yếu thế và người già, người cao tuổi, cần ưu tiên và thực hiện ngay việc hỗ trợ, tập trung tiêm vắc-xin cho khu vực tăng trưởng, cho đội ngũ CN các KCN, chuỗi cung ứng, lao động trong lĩnh vực thường xuyên tiếp xúc với nguy cơ dịch bệnh cao, cho đội ngũ chuyên gia, bởi đây chính là nền tảng để tăng trưởng.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, ưu tiên số 1 lúc này là khống chế, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh những nơi nào an toàn thì tiếp tục duy trì và đẩy mạnh sản xuất. Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các địa phương, DN khẩn trương tiêm vắc-xin cho người lao động, đặc biệt ở các thành phố lớn, các tỉnh có nhiều KCN; điều chỉnh quy trình phòng chống dịch bệnh để các địa phương, DN tùy điều kiện thực tế có thể áp dụng, sớm ổn định lại sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh mới, hết sức linh hoạt, không phụ thuộc địa giới hành chính hay thời gian.

Không chần chừ gì nữa, phải kiên quyết vào cuộc với khí thế mạnh mẽ hơn. Người dân, CN và DN chờ đợi những chủ trương được cụ thể hóa bằng hành động, thể hiện cam kết hỗ trợ DN và đẩy mạnh tiêm vắc-xin cho đội ngũ CN. Với sự quan tâm chu đáo này, chỉ số niềm tin sẽ được củng cố, tăng cao.

Theo TRẦN ĐỨC (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm