Phóng sự - Ký sự

Giữa phá Hạc Hải

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Chiều xuống chậm. Sông Kiến Giang ở hạ nguồn hiền hòa chảy qua phá Hạc Hải, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình). Phía xa, đàn chim tung cánh bay lên để lại những thanh âm rộn ràng giữa vùng phá đang vào vụ gặt. Anh Nguyễn Công Xuân vừa lái thuyền nhôm chở chúng tôi đến thăm vườn chim vừa giải thích "Chiều chiều, bầy chim le le thoát ra khỏi vùng lau sậy bay một vòng rồi trở về khi chạng vạng tối".

Không ai biết phá Hạc Hải hình thành từ bao giờ, nhưng trong "Ðại Nam nhất thống chí" của triều Nguyễn biên soạn mô tả như sau: "Ở cách huyện Lệ Thủy 14 dặm về phía bắc, có tên là Thiển Hải, cũng gọi là Bình Hồ… trăm sông tụ hội, mọi nhánh đổ về, gọi là Hạc Hải, phía đông bắc từng động cát chập chồng, phía tây bắc vạn núi chắn ngang, chỗ sâu chỗ cạn, có một đường lạch rất sâu, thuyền bè đi lại cần phải đề phòng sóng gió; hạ lưu hợp với sông Mỹ Hương rồi đổ ra biển".

Cùng với núi Ðầu Mâu ở Lệ Thủy quanh năm mây mù bao phủ, chóp núi như hình ngòi bút, phá Hạc Hải dáng hình như nghiên mực nên người xưa có câu "Mâu Sơn vi bút, Hạc Hải vi nghiên", để chỉ vẻ đẹp bút nghiên hài hòa của non nước nơi đây. Bây giờ, phá Hạc Hải nằm ở cuối nguồn sông Kiến Giang, có diện tích khoảng 12km2, là nơi tiếp giáp hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh, cách trung tâm thành phố Ðồng Hới khoảng 25km về phía nam.

Một góc phá Hạc Hải (Quảng Bình).

Một góc phá Hạc Hải (Quảng Bình).

Từ một vùng đầm phá nước lợ khá sâu, có rất nhiều loài thủy sản như tôm, cua, cá leo, rạm... sinh sống, từ khi có đập ngăn mặn Mỹ Trung, Hạc Hải được ngọt hóa và phù sa bồi lắng sau mỗi mùa lũ hằng năm. Nông dân khai hoang, cải tạo vùng phá thành nơi trồng lúa, nuôi tôm và thu hút các loại chim đến trú ngụ, sinh sản. Một trong những người đầu tiên đến cải tạo vùng phá Hải Hạc để làm trang trại là vợ chồng anh Nguyễn Công Xuân và chị Ðỗ Thị Hòa ở xã Hoa Thủy.

Gần 5 giờ chiều, nắng vừa dịu bớt, anh Nguyễn Công Xuân đã đợi ở bờ đê ngoài cánh đồng xã Hồng Thủy để dùng thuyền chở chúng tôi ra phá Hạc Hải, nơi vợ chồng anh lập nghiệp và làm bạn với chim trời.

Vùng Vời - phá Hạc Hải hiện ra trước mắt chúng tôi với mầu vàng của lúa, sóng sánh của mây trời và những cây bần cổ thụ đổ bóng xuống mặt sông. Vừa qua tuổi 50, anh Xuân có dáng người rắn rỏi, nhanh nhẹn, ai gặp lần đầu cũng thấy thân thiện, bởi cách nói chuyện vừa hóm hỉnh, vừa chất phác. Chạy thuyền chở khách đến thăm trang trại, anh còn như một hướng dẫn viên cung cấp thêm cho chúng tôi nhiều kiến thức về phá Hạc Hải và cả những trăn trở trước khi gắn bó với vùng đầm phá này.

Trong ký ức tuổi thơ của anh Xuân, phá Hạc Hải là thiên đường của nhiều loài chim, từ vịt trời, le le đến cò, vạc, chim cói, chim bồng và cả sâm cầm... "Người dân ven phá coi việc bắn chim, phá tổ như một thú vui. Trẻ con thì dùng ná, người lớn thì dùng súng hơi. Tôi cũng vậy, cứ mang ná ra các bờ vùng ven phá thế nào cũng được vài chục con chim, còn trứng chim lớn, nhỏ không kể hết, phần thì để ăn, phần mang ra chợ bán. Quanh vùng phá đã từng hình thành những chợ mua bán chim trời" - anh Xuân chia sẻ.

Chiếc thuyền nhôm chợt tắt máy, thả trôi. Anh Xuân thông báo là gần đến trang trại - vườn chim của gia đình. Lát sau, thuyền nhẹ nhàng cập bờ để cho khách lên. Anh Xuân thông báo là ai muốn câu cá, thăm đồng sen thì ở tại chỗ, còn ai đi thăm vườn chim thì rảo bộ về phía cuối đê, từ đó anh dùng chiếc thuyền nhỏ hơn chở đi tiếp. Vừa nói xong, anh đã thoăn thoắt chống chiếc thuyền nhôm bé tí qua hồ sen rồi một mình kéo thuyền qua đê. Bên kia là đồng lúa vừa gặt xong nhưng nước khá sâu. Anh bảo chúng tôi đợi ở đó để anh chở đi thăm vườn chim.

Chiếc thuyền chỉ đủ chở bốn người, tròng trành di chuyển trên con kênh đào bên ruộng lúa. Vẫn là những dòng ký ức, anh Xuân kể tiếp, đến khi lập gia đình, anh không đi săn bắt chim nữa mà chuyển sang làm nghề thu gom, buôn bán chim và xem đó là nguồn sống. Ðầu năm 2000, vợ chồng anh là đầu mối thu mua chim trời trong khu vực rồi bán đi khắp nơi. Cho đến khi việc thu mua chim trời gặp khó do nguồn cung cạn kiệt, vợ chồng anh Xuân mới xin chính quyền địa phương ra khoanh vùng Hạc Hải để nuôi vịt. Nghề nậu chim của họ cũng dừng từ đó.

Trên đầm phá mênh mông nước, vợ chồng anh thả nuôi 6.000 con vịt các loại. Ðể có thức ăn cho đàn vịt, vợ chồng anh tự đào đắp bờ, trồng lúa, thả cá, nuôi ốc. Như con ong chăm chỉ, ngày qua ngày, từ những rẻo đất giữa lõm bõm nước, đến năm 2010, anh chị thuê thêm phương tiện, máy móc để đắp đê, đào ao, cải tạo hơn 6ha đất để trồng lúa.

"Ở ngay trên phá Hạc Hải, tôi nghiệm ra một điều, chim trời không còn nhiều như thời mình còn trẻ và chính bản thân có một phần trách nhiệm trong đó. Giữa bờ bụi, lau lách, ruộng lúa của phá Hạc Hải mà không còn bóng loài chim bay về thì quả là rất đáng buồn. Ðêm thao thức, tôi cảm thấy như đang có lỗi với tuổi thơ, có lỗi với Hạc Hải, bèn tìm cách dụ chim trời về làm tổ. Vậy thì phải có thức ăn và tạo môi trường cho chim sinh sống.

Tuy vậy, lúc đầu nói về ý tưởng bảo vệ đàn chim trời của mình với bà con lối xóm, nhiều người cho rằng đó là việc không tưởng, bởi từ trước đến nay chưa có ai làm vậy cả. Song nghĩ điều mình làm là đúng, vợ chồng tôi bỏ gần 100 triệu đồng vào miền nam mua cây dừa nước về trồng để làm nơi trú ngụ cho chim. Trên các bờ đê của ruộng lúa, ao nuôi cá, tôi để lau sậy, cây sung mọc cao quá đầu người, tạo môi trường an toàn, kín đáo cho chim về làm tổ. Khi thu hoạch lúa, tôi để lại hai bên ruộng nhiều khóm lúa chín để hạt làm thức ăn, lá cây chim mang về làm nguyên liệu xây tổ. Vườn chim sinh sôi từ đó" - anh Xuân hào hứng kể.

Trên các bờ đê của ruộng lúa, ao nuôi cá, tôi để lau sậy, cây sung mọc cao quá đầu người, tạo môi trường an toàn, kín đáo cho chim về làm tổ. Khi thu hoạch lúa, tôi để lại hai bên ruộng nhiều khóm lúa chín để hạt làm thức ăn, lá cây chim mang về làm nguyên liệu xây tổ. Vườn chim sinh sôi từ đó.

Anh Nguyễn Công Xuân

Trời bắt đầu tắt nắng thì bên bờ lau sậy, trên từng cây bần bắt đầu tấu lên tiếng chim, tiếng cuốc. Sợ tiếng khua nước của chiếc thuyền làm chim dáo dác nên tôi đề nghị anh Xuân dừng lại, nhưng anh bảo không sao, thậm chí bầy chim dường như còn cảm nhận được sự quen thuộc đó nên tấu lên tiếng hót, tiếng gọi bầy như để "chào" khách. Thuyền lại trôi trên kênh, tôi nhìn thấy lủng lẳng nhiều tổ chim trên bụi cây.

Mới có, cũ có. Càng đi vào sâu, tiếng chim càng râm ran. "Ông chủ" vườn chim cũng tự nhiên hơn, anh đến bên một tổ chim, nhẹ nhàng nâng các chú chim bồng non lên giới thiệu và cho khách chụp ảnh. Có lẽ, nhiều năm qua, không biết bao nhiêu chú chim non cựa mình ngơ ngác chào đời giữa các khóm lau sậy, rồi cứ thế bình yên lớn lên, líu lo mỗi sáng mỗi chiều. Sau giây lát, chúng tôi rời đi đã thấy chim mẹ trở về tổ mang theo nhiều hạt lúa còn tươi để mớm cho đàn chim con. Càng đi sâu, tôi càng thấy chi chít tổ và tiếng ríu rít của các loài chim.

Gương mặt sạm đen của người chủ trang trại giữa vùng đầm phá cũng tươi tắn hơn. "Có được hình ảnh như anh thấy là kết quả của quá trình tôi tìm mọi cách để bảo vệ đàn chim trời để chúng ngày càng sinh sôi. Ðó như là sự trả nợ cho môi trường tự nhiên mà tôi và nhiều người dân ven phá đã từng hủy hoại. Việc làm của tôi giờ được nhiều người biết đến và động viên, ủng hộ. Vườn chim ngày càng phong phú chủng loại, không có ai đến quấy phá hoặc săn bắt nữa" - anh Xuân nói.

Thành quả lao động sau nhiều năm gây dựng vừa mới được thu hái thì trận lũ lịch sử năm 2020 đã cuốn phăng nhiều thứ của vợ chồng anh Xuân. Chị Hòa, vợ anh Xuân chia sẻ, trở lại trong cảnh ngổn ngang sau lũ, họ đã có ý nghĩ từ bỏ việc lập nghiệp bên phá Hạc Hải.

Thế nhưng, tình yêu với đất đai, tôm cá và cảm giác được làm bạn với chim trời, được nghe tiếng sóng ì oạp bên triền đê đã kéo họ ở lại. Vợ chồng anh Xuân từng bước khôi phục và tìm cách ứng phó với thiên tai để tiếp tục gắn bó với vùng phá cùng những hy vọng mới. Với khát khao giới thiệu vẻ đẹp bình yên, khoáng đạt của phá Hạc Hải, gần đây, vợ chồng anh Xuân dựng lên vài chòi tre để những người yêu cảnh quan thiên nhiên đến ngắm cảnh, câu cá giải trí, thưởng thức đặc sản vùng đầm phá.

Từ vườn chim trở về, đón chúng tôi trên chòi tre là chị Ðỗ Thị Hòa cùng mùi thơm nức tỏa ra từ những món ăn mà chị tự tay chuẩn bị, nào là tôm, rạm, ốc, cá rô, cá lóc, vịt...

Câu chuyện của chúng tôi được chuyển dần sang các mô hình kinh tế, bảo vệ môi trường hướng đến tương lai thông qua việc phát triển du lịch sinh thái trên vùng Hạc Hải. Bởi đến đây, du khách không chỉ được ngắm những đàn chim bay về tổ trong ánh chiều, ngắm hoàng hôn trên dòng Kiến Giang, bơi lội, thả diều, được tận hưởng mùi đồng nội quyện trong hương lúa, cỏ cây và bùn non, mà còn được thưởng thức những món ngon dân dã qua bàn tay chế biến của những nông dân chất phác.

Tiễn chúng tôi trên chiếc thuyền máy rời Hạc Hải khi trăng đã lên gần đỉnh hàng cột điện cao thế sừng sững vượt qua phá, anh Xuân vui vẻ mời khách trở lại trang trại để được tận hưởng không gian và hương vị đêm giữa vùng sông nước. Chợt nghĩ, bằng sự hiểu biết và tình yêu, trách nhiệm của mình, những người nông dân chân chất bên phá Hạc Hải đang biến vùng đất sình lầy không chỉ thành "tổ ấm" cho các loài chim, mà còn là điểm đến cho du khách với không gian khoáng đạt, yên bình của vùng sông nước Lệ Thủy.

Có thể bạn quan tâm