Giúp người dân thoát nghèo bền vững

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau một năm, 18 tiểu dự án nuôi bò lai sinh sản được Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên hỗ trợ cho 180 hộ nghèo của 13 xã thuộc 4 huyện: Kông Chro, Krông Pa, Ia Pa và Mang Yang đã cho hiệu quả bước đầu. 180 con bò giống được trao cho 180 hộ nghèo là thành viên của 18 nhóm LEG giờ đã đẻ ra 32 con bê và khoảng 80% bò giống đang mang thai. Đây chính là cơ hội để hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo.

Hiệu quả thực tế

Quanh năm vất vả với rẫy mì nhưng gia đình anh Nguyễn Tiến Hậu (buôn Blang, xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa) vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Từ lúc được chọn tham gia tiểu dự án nuôi bò sinh sản và nhận bò giống của dự án về, anh Hậu quyết tâm xóa đói, giảm nghèo. Khi cán bộ mở lớp tập huấn, anh tham gia đầy đủ. Cho đến nay, các kỹ thuật cơ bản về chăm sóc, phòng bệnh và trồng cỏ cho bò, anh đều hiểu và nắm rõ. Anh Hậu cho biết: “Được dự án cho bò, gia đình tôi rất phấn khởi. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc bò thật tốt để nó lớn nhanh. Con bò giống của gia đình tôi đã mang thai được 6 tháng rồi, còn hơn 3 tháng nữa bò sẽ sinh ra bê. Đây là cơ hội để gia đình tôi thoát nghèo”.

 

Con bò giống lai của gia đình ông Ksor Kroaih (buôn Hlim 2) đã đẻ được một con bê.     Ảnh. Đ.Y
Con bò giống lai của gia đình ông Ksor Kroaih (buôn Hlim 2) đã đẻ được một con bê. Ảnh. Đ.Y

Không chỉ cố gắng để chăm sóc bò sinh ra bê con, nhiều thành viên tiểu dự án nuôi bò sinh sản còn biết tận dụng nguồn phân bò để bón cho cây trồng hoặc đem bán để mua giống heo, gà và nhu yếu phẩm cho gia đình. Đơn cử như gia đình anh Nguyễn Tiến Hậu, nhờ bán phân bò đã mua được 3 con heo và hàng chục con gà giống để tăng gia. Khi 3 con heo lớn lên, gia đình anh Hậu lại bán đi để tăng thêm thu nhập, còn đàn gà đã đẻ trứng, gà con nhân thành đàn, góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho gia đình.

Tại xã Ia Ma Rơn (huyện Ia Pa), 3 nhóm LEG nuôi bò cũng đã phát huy hiệu quả rõ rệt. 30 con bò giống đã đẻ được 4 con bê con, còn lại đang mang thai, dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ đẻ bê con. Hơn nữa, nhờ chăm sóc tốt sau 1 năm, trọng lượng bò phát triển nhanh. Khi mới đầu tiếp nhận, trọng lượng một con bò giống trung bình là 220 kg, giờ đạt từ 270 đến 300 kg/con. Chia sẻ niềm vui, chị Ksor H’Non-Trưởng nhóm LEG chăn nuôi bò buôn Hlim 2 nói: Khi nhóm mua bò về, tôi mừng đến muốn khóc. Chỉ vài tháng nữa là con bò giống đẻ ra bê, sau đó tôi tiếp tục nhân giống thành cả đàn bò. Đây chính là cơ hội giúp gia đình tôi thoát nghèo và kiếm tiền xây lại nhà mới. Cũng như gia đình tôi, 9 hộ trong buôn được hưởng lợi từ dự án cũng đều có cơ hội để thoát nghèo. Ngoài ra, các thành viên còn tận dụng nguồn phân bò để bán đi mua thêm nhu yếu phẩm trong gia đình. Thành viên nào cũng mừng lắm, cuộc sống đã được cải thiện nhờ những con bò giống lai!”.

Hướng thoát nghèo bền vững

Trao đổi với P.V, anh Chu Nghệ Tĩnh-cán bộ tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Mang Yang cho biết: “Năm 2015,  Mang Yang là huyện được dự án hỗ trợ 6 nhóm nuôi bò ở 5 xã: Lơ Pang, Kon Thụp, Kon Chiêng, Đê Ar và Đak Trôi. 66 con bò lai sinh sản (trong đó có 6 con bò đực) đến nay đã đẻ ra 5 con bê. Để dự án phát huy hiệu quả, cán bộ dự án, CF các xã, cán bộ thú y, nông nghiệp thường xuyên đến những hộ được cấp bò giống để hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cách tiêm phòng, đồng thời theo dõi thường xuyên hoạt động của các thành viên được hỗ trợ bò giống, phát hiện kịp thời những khó khăn của người dân để có phương án xử lý nhằm đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu của dự án”.

Ông Trang Châu Khoa-cán bộ tư vấn sinh kế Ban Quản lý Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên huyện Kông Chro cũng cho biết: “Số bò cấp cho 4 nhóm LEG ở các xã: Kông Yang, An Trung, Đak Pơ Pho và Chư Krey đến nay bò đã đẻ ra 11 con bê. Ngay từ ngày đầu các nhóm mua bò giống về, cán bộ dự án và CF, cán bộ thú y thường xuyên hướng dẫn bà con cách làm chuồng trại kiên cố, không chăn thả rông như trước đây mà chủ yếu là chăn tập trung cùng nhau, nên hiệu quả của các nhóm LEG bò trên địa bàn huyện mang lại rất lớn. Quan trọng nhất, ý thức của người dân đã được nâng cao. Dự án này đã giúp bà con phát triển kinh tế gia đình và đây là cơ sở để các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm