(GLO)- Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có 5.575 đối tượng khuyết tật nặng được giải quyết trợ cấp hàng tháng tại cộng đồng với tổng kinh phí thực hiện trên 15 tỷ đồng; 290 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng miễn phí; hàng trăm xe lăn, xe lắc, dụng cụ chỉnh hình...; hàng trăm người tàn tật được đào tạo nghề… đã góp phần ghi dấu ấn không nhỏ trên chặng đường cùng chung tay với người khuyết tật, giúp họ vượt qua khó khăn của số phận, xây dựng cuộc sống ổn định và có niềm tin vào ngày mai.
Tháng 7-2007, được sự quan tâm của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật 2007-2009” đã đưa vào triển khai. Phường Tây Sơn (TP. Pleiku) là một trong 3 đơn vị của cả nước được chọn thực hiện thí điểm mô hình. Lúc ấy, trên địa bàn phường có 137 đối tượng là người tàn tật; đa phần gia đình các đối tượng đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhiều gia đình thuộc diện hộ nghèo.
Lãnh đạo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai tặng quà cho các em nhỏ nhân dịp Tết Trung thu. Ảnh Lê Hòa |
Căn cứ vào điều kiện riêng của đối tượng và gia đình, chương trình xây dựng hình thức hỗ trợ phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho họ vươn lên trong cuộc sống. Trong gần 3 năm triển khai, chương trình đã hỗ trợ vốn cho 80 đối tượng người tàn tật, 6 xe lăn, xe lắc, máy trợ thính; 12 em được hỗ trợ học tập… với tổng kinh phí 300 triệu đồng. Đây là động lực không nhỏ giúp người khuyết tật có điều kiện hòa nhập cộng đồng, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.
Anh Nguyễn Tín-Phó Chủ tịch UBND phường Tây Sơn, Trưởng ban Quản lý dự án hỗ trợ sinh kế cho người tàn tật, cho biết: “Nhiều gia đình khi ấy nhờ có nguồn vốn hỗ trợ đã tạo sinh kế, đến nay có cuộc sống cơ bản ổn định. Điển hình như hộ anh Nguyễn Duy Chánh (tổ dân phố 15), bản thân cả hai vợ chồng đều là người tàn tật, chồng bị cụt một tay, vợ bị mù một bên mắt nhưng nhờ có nguồn vốn, anh chị học nghề và đầu tư nấu rượu và chăn nuôi heo, nhờ “mát tay” nên công việc ấy đã đem lại cho gia đình anh chị cuộc sống không còn thiếu đói như trước. Hay như hộ chị Bùi Thị Lệ Thanh dùng vốn được hỗ trợ mở cửa hàng tạp hóa nhỏ kiếm thêm thu nhập, em Je Phúc Đức (tổ dân phố 14) bị cụt một tay nhưng đã dùng tiền hỗ trợ để học nghề in lụa…”.
Em bé ở Trung tâm Phục hồi Chức năng cho trẻ khuyết tật (huyện Chư Pah) được nhận quà nhân dịp Tết Thiếu nhi 1-6. Ảnh Lê Hòa |
Theo thống kê của ngành chức năng, tính đến cuối năm 2012, số người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Gia Lai là 9.206 người (chiếm khoảng 0,77% dân số). Nhìn chung, đời sống của người khuyết tật trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc với các thông tin và dịch vụ chăm sóc sức khỏe của Nhà nước và cộng đồng.
Không những vậy, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, trình độ học vấn của người khuyết tật còn rất nhiều hạn chế, hầu hết không có trình độ chuyên môn kỹ thuật… nên tỷ lệ người khuyết tật có việc làm ổn định cũng rất thấp. Chính điều đó đã tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế của họ và gia đình.
Xuất phát bởi thực tế ấy, trong những năm qua, công tác chăm sóc cho người khuyết tật nói chung và tình hình thực hiện chế độ, chính sách đối với người khuyết tật nói riêng luôn được các cấp, các ngành và nhân dân quan tâm, chú trọng. Từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã có 290 người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng miễn phí; 446 người được trợ giúp xe lăn, xe lắc; 176 đối tượng được cấp dụng cụ chỉnh hình (chân, tay giả)…
Kpăh H'Đút-cô bé không bàn tay, bàn chân giàu nghị lực. Ảnh Lê Hòa |
Bên cạnh đó, nhằm giúp các đối tượng người tàn tật hòa nhập cộng đồng, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội còn phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện xem xét miễn, giảm học phí và các khoản đóng góp cho học sinh khuyết tật; được hưởng trợ cấp xã hội và xét cấp học bổng theo chế độ của Nhà nước.
Bằng nguồn kinh phí Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và dạy nghề, 160 người khuyết tật trên địa bàn tỉnh đã được tham gia học nghề với tổng mức kinh phí 500 triệu đồng. Ngoài ra còn có dự án “Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tại TP. Pleiku và thị xã An Khê” đã đào tạo nghề cho 190 người tàn tật từ nguồn tài trợ thông qua Hội Bảo trợ Người tàn tật và Trẻ em mồ côi Việt Nam, trị giá 1,55 tỷ đồng.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 50 người khuyết tật được tạo điều kiện nhận vào làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu phấn đấu của tỉnh đến năm 2020, 90% người khuyết tật được tiếp cận với các dịch vụ y tế; 80% trẻ từ sơ sinh đến 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm các khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; 100% người khuyết tật đủ điều kiện được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên; 70% trẻ khuyết tật có khả năng học tập được tiếp cận giáo dục; 100% người khuyết tật được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu…
Lê Hòa