Thời sự - Bình luận

Góc khuất của sự thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ tiêu cực sửa điểm thi THPT quốc gia năm 2018 gây chấn động dư luận suốt thời gian qua, tiếp tục là tâm điểm khi vụ án được đưa ra xét xử tại Hà Giang và Sơn La.

 

Qua lời khai của các bị cáo, sự thật được hé lộ thêm và nhiều mảng tối được phơi bày với không ít tình tiết vượt ra ngoài hình dung, suy nghĩ của nhiều người.

Trước hết là cả một đường dây, một vòng tròn khép kín. Trong đó, những mối quan hệ phức tạp đan xen cùng những hệ thống "cánh hẩu" thân thiết nhiều năm cũng như chuyện bạc tiền - ơn nghĩa, cửa trước - cửa sau, lệnh ông - cồng bà... trong các cơ quan, chức sắc địa phương, đã diễn ra như những tấn trò đời.


 

Cựu phó giám đốc Sở GĐ-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến
Cựu phó giám đốc Sở GĐ-ĐT Sơn La Trần Xuân Yến



Tại phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi ở Sơn La, bị cáo Nguyễn Thị Hồng Nga (nguyên chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) khai đã giúp nâng điểm cho 4 thí sinh và nhận tiền "cảm ơn" hơn 1 tỉ đồng. Bị cáo Đặng Hữu Thủy, cựu Phó Hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu, khai sau khi 4 thí sinh được nâng điểm, bị cáo nhận của 2 người là kế toán và giáo viên ở cùng trường, mỗi người 150 triệu đồng; nhận của một giáo viên trường khác 200 triệu đồng. Riêng trường hợp bà Bùi Thị Xuân (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sơn La) có hứa hẹn sau khi giúp nâng điểm cho thí sinh P.S.T sẽ đưa 270 triệu đồng nhưng đến nay chưa nhận được tiền.

Bị cáo Cầm Thị Bun Sọn (nguyên Phó trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La) cũng giúp con ruột của bà Hoàng Thị Thành, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai, nâng điểm tới mức đủ đỗ vào trường công an và nhận 400 triệu đồng tiền "cảm ơn" của bà Thành...

Dù những tỉnh miền núi như Sơn La, Hà Giang đều là tỉnh nghèo, nhưng nhiều quan chức của tỉnh thì lại không nghèo, bởi những số tiền trên là minh chứng rành rành. Tại phiên tòa ở Hà Giang, ý kiến của bị cáo Triệu Thị Chính, nguyên Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Hà Giang, cũng đáng để suy ngẫm khi kiến nghị HĐXX mở cuộc điều tra, làm rõ bởi với con số rất đông người liên quan như vậy mà lại không có vụ lợi gì thì phải hoài nghi. Trả lời câu hỏi "lương cán bộ công chức có hạn, lấy đâu ra mà tiền nhiều thế" sẽ ra được rất nhiều vấn đề.

Rõ ràng, gian lận trong thi cử không phải là chuyện mới, nhưng quy mô lớn và hậu quả cực kỳ nghiêm trọng thì không thể tiếp tục tồn tại những mô hình cũ hay vận hành những quy trình có kẽ hở để bị lợi dụng, làm trái.

Với đường dây và hệ thống đó, nếu vụ việc không được phát hiện thì hậu quả sẽ ra sao? Thì tất cả sẽ lọt qua hết, ung dung tự tại với công danh của cha mẹ hanh thông, con cái học hành thăng tiến. Nhưng cũng với "thành tựu" đó thì bao con em thường dân mất đi cơ hội đáng lẽ dành cho mình trong cuộc thi THPT, cánh cửa vào ngôi trường đại học mình xứng đáng vào học bị khép lại. Con các vị trong đường dây nâng điểm học xong ra trường, tương lai rộng mở, còn các em bị mất suất thì vào đời trong khó khăn, chật vật.

Xưa nay, tiếng thơm lưu danh muôn thuở mà tiếng xấu cũng truyền đời. Kẻ có địa vị mà không biết giữ còn lợi dụng để làm điều sai quấy, không chỉ hại cho mình và con cháu mà còn để lại tiếng xấu khó gột rửa.

NGUYỄN THANH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm