Thời sự - Bình luận

Góc nhìn phóng viên: Đừng bội tín với dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vụ việc 5,26 ha dương là rừng phòng hộ ở xã Mỹ An (H.Phù Mỹ, Bình Định) bị doanh nghiệp chặt phá, san ủi trắng, đào mất gốc đã không khỏi khiến nhiều người dân phải nhủ lòng: Liệu có bị phản bội niềm tin?

 

 Hơn 5 ha rừng phòng hộ ở xã Mỹ An, H.Phù Mỹ (Bình Định) bị doanh nghiệp chặt trụi. Ảnh: Hoàng Trọng
Hơn 5 ha rừng phòng hộ ở xã Mỹ An, H.Phù Mỹ (Bình Định) bị doanh nghiệp chặt trụi. Ảnh: Hoàng Trọng


Nhiều năm trước, Báo Thanh Niên đã phản ánh người dân các xã phía đông H.Phù Mỹ (Bình Định) từng phải gánh chịu hiện tượng cát bay, cát nhảy, thiếu nước ngầm… do các dự án khai thác ti tan chặt phá hàng trăm héc ta rừng phòng hộ ven biển.

Chính vì lý do này, nhiều lần người dân tập trung phản đối việc thi công các dự án vì lo ngại rừng dương ven biển tiếp tục bị chặt phá.

Trong bối cảnh vừa nêu, để dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ được triển khai, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã nhiều lần đối thoại mới nhận được sự đồng tình, tin tưởng của người dân các xã Mỹ Thắng, Mỹ An…

Nhưng vụ việc 5,26 ha dương là rừng phòng hộ ở xã Mỹ An (H.Phù Mỹ) bị doanh nghiệp chặt phá, san ủi trắng, đào mất gốc đã không khỏi khiến nhiều người dân phải nhủ lòng: Liệu có bị phản bội niềm tin?

Chủ đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ thừa nhận một nhà thầu thi công dự án đã chặt phá “nhầm” diện tích rừng này, trong khi người dân và Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho rằng doanh nghiệp chặt phá rừng dương vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Vụ việc vẫn đang ở tình trạng “không xác định được thiệt hại cụ thể”.

Vụ phá rừng thứ hai, với hơn 5 ha rừng gỗ tự nhiên, chức năng là rừng sản xuất, xảy ra tại H.Tây Sơn. Cơ quan chức năng Bình Định nhận định đây là vụ phá rừng trái pháp luật, diện tích vượt khung xử phạt vi phạm hành chính, có dấu hiệu tội phạm và đã có văn bản đề nghị UBND H.Tây Sơn xử lý. Trước mắt, vẫn chưa thể biết được những ai có liên quan.

Nếu như ở vụ việc doanh nghiệp chặt phá “nhầm” 5,26 ha rừng phòng hộ khiến người dân bức xúc thì với vụ phá rừng tự nhiên ở H.Tây Sơn, người dân cũng yêu cầu phải nhanh chóng xác định rõ những ai là thủ phạm để nghiêm trị.

Từ những gì ghi nhận được thông qua tiếp xúc và ý kiến người dân, người viết thấy rằng các cơ quan chức năng không thể giải quyết chần chừ, kéo dài thời gian vì có thể khiến người dân mất niềm tin. Một khi niềm tin bị phản bội, “điểm nóng” rất dễ nóng trở lại.

 

Theo Hoàng Trọng (TNO)

Có thể bạn quan tâm