Lâu nay người ta quen nghe các loại nông sản cần được giải cứu chứ chưa nghe điều ấy với các nhà máy. Ấy vậy mà mới đây, hai nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Phú Yên đã kêu gọi… giải cứu.
Số là mới đây, có đơn vị xin được đầu tư tại một huyện miền núi tỉnh Phú Yên - nơi có sự hiện diện của hai nhà máy nọ, thêm một nhà máy chế biến tinh bột sắn nữa.
Trước tình hình trên, ngày 2.12.2021, Hiệp hội Sắn Việt Nam đã gửi công văn cho tỉnh Phú Yên kiến nghị nên dừng việc cấp phép cho nhà máy chế biến tinh bột sắn thứ ba. Theo lập luận của Hiệp hội Sắn Việt Nam, rất dễ dẫn đến đóng cửa nhà máy như một số nơi đang xảy ra, vì cả hai nhà máy hiện hữu hai năm nay chỉ hoạt động 60 - 70% công suất do thiếu nguyên liệu. Một phần do tranh giành mua sắn của một số nhà máy ở hai tỉnh lân cận là Bình Định và Gia Lai, một phần do dịch bệnh khảm lá ở cây mì khiến năng suất và chất lượng giảm đến 30 - 40% so với nhiều năm trước.
Phú Yên đang thiếu nguồn nguyên liệu sắn cho hai nhà máy. Ảnh: TR.NHÂN |
Lẽ thường, cấp phép cho các nhà máy tiêu thụ nông sản càng nhiều thì càng có lợi cho nông dân. Vì càng nhiều người mua thì hàng nông sản cũng sẽ được tiêu thụ nhanh. Tuy nhiên, cũng đã có không ít bài học về cấp phép tràn lan. Điển hình nhất là việc cấp phép xây dựng “mỗi tỉnh một nhà máy đường”, đến nay hệ lụy ra sao thì ai cũng rõ.
Khác với các loại nhà máy sản xuất linh kiện máy móc, các nhà máy chế biến nông sản thì phụ thuộc vào nguyên liệu. Đã từng xảy ra “cuộc chiến” giữa cây mía và cây mì ở nhiều tỉnh miền Trung. Cuối cùng thì cả hai loại cây mía - mì cùng ngắc ngoải, một cây (mía) chết hẳn.
“Giải cứu” nhà máy như trường hợp hai nhà máy chế biến tinh bột sắn nói trên rất cần được các địa phương cân nhắc trước khi cấp phép. Tuy nhiên, các nhà máy đang hoạt động trên địa bàn cũng cần lưu tâm đến người trồng sắn bằng việc bảo hiểm giá cho họ và tiêu thụ sắn một cách thuận lợi nhất, đừng để người trồng sắn phải kêu “giải cứu” như các mặt hàng nông sản khác.
Theo TRÀ BAN (TNO)