Thời sự - Bình luận

Góc nhìn phóng viên: Những 'lâm tặc trong bóng tối'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Báo Thanh Niên vừa có loạt bài phản ánh nạn phá rừng nhức nhối tại Tây nguyên và các tỉnh lân cận khu vực Nam Trung bộ. Những thông tin, hình ảnh mà báo cung cấp khiến ai cũng bàng hoàng, bức xúc.

Tôi từng có thời gian làm phóng viên ở Tây nguyên cách đây gần 15 năm. Khi mới đến, tôi ngỡ ngàng và thích thú với vùng toàn đất đỏ ba zan này. Rừng cổ thụ, rừng giàu thì ngút ngàn, tạo nên một Tây nguyên không khí mát mẻ quanh năm khiến ai cũng muốn sống ở đây.

Nhưng rồi, nạn phá rừng đã cướp đi nhiều thứ vốn có.

 

Một khu rừng căm xe quý tại Khánh Hòa bị phá vùng lõi để lấy đất. Ảnh: Hiền Lương
Một khu rừng căm xe quý tại Khánh Hòa bị phá vùng lõi để lấy đất. Ảnh: Hiền Lương


Ban đầu, phá rừng chủ yếu để lấy gỗ làm nhà, đem bán kiếm tiền mưu sinh. Sau đó, do lợi nhuận khủng từ những cây gỗ quý mang lại, rừng bị phá có tổ chức, quy mô và có cả sự tiếp tay của lực lượng bảo vệ rừng. Đã có nhiều vụ vi phạm lâm luật được đưa ra ánh sáng, nhưng từng đó chưa đủ sức răn đe, bởi còn nhiều “lâm tặc trong bóng tối” vẫn đang ngày đêm tàn sát rừng.

Đến thời điểm này, phá rừng không chỉ có chặt cây lấy gỗ, mà phá rừng còn thêm chủ đích khác là lấy đất canh tác, sang nhượng và phổ biến đến nỗi như trở thành “nghề” cho nhiều đối tượng bất chấp pháp luật từ nhiều nơi đổ về trục lợi. Phá rừng để lấy đất, tức là phải cạo trọc, phá trắng, đó gọi là “thảm sát rừng” mới đúng nghĩa.

Ở Tây nguyên từng có chủ trương giao rừng cho nhiều đơn vị, doanh nghiệp, lâm trường, nhóm hộ quản lý, khoanh nuôi, nhưng cuối cùng rừng bị phá nát, đất rừng bị chiếm. Cá nhân, đơn vị để mất rừng thì chưa thấy bị xử lý nghiêm, còn đất rừng về tay ai cũng chẳng cơ quan nào làm rõ, công bố thu hồi, nên rừng cứ thế bị thảm sát nhiều hơn.

Tại sao rừng Tây nguyên không giữ được? Rất nhiều lý do được đưa ra và tựu chung đều “đổ” cho hoàn cảnh khách quan: lực lượng mỏng, địa bàn xa, hiểm trở, chế độ đãi ngộ thấp… nên khó phát hiện, ngăn chặn. Nhưng ngay cả khi đã phát hiện như vụ phá gần 400 ha rừng xảy ra cách đây 10 ngày tại Đắk Lắk thì một diện tích rừng rất lớn vẫn bị đốn hạ ngổn ngang.

Giữ rừng kiểu gì khi rừng đã ngã ?

 

Theo Hiền Lương (TNO)

Có thể bạn quan tâm