Phóng sự - Ký sự

Góp nhặt "cảo thơm"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Gác Nobel là “gia tài” sau hành trình hơn 20 năm dày công tìm hiểu và sưu tầm của chủ nhà - anh Ngô Thanh Tuấn. “Gia tài” này áng chừng hơn 2.000 cuốn sách, trong đó phân nửa là sách của những tác giả đoạt giải Nobel văn học đã được dịch sang tiếng Việt. Ở đây, chúng tôi như lạc về quá khứ khi hít hà mùi sách cũ, mùi bụi thời gian, nhìn những nét chữ được biên tập/in ấn từ thế kỷ trước. Không gian quá khứ này có đầy đủ sách của Pearl S. Buck, Hermann Hesse, Ernest Hemingway, Rabindranath Tagore, Yasunari Kawabata, George Bernard Shaw… và nhiều nhà văn, nhà thơ gạo cội khác.
Anh Ngô Thanh Tuấn bên những cuốn sách của mình. Ảnh: L.V

Anh Ngô Thanh Tuấn bên những cuốn sách của mình. Ảnh: L.V

Anh Ngô Thanh Tuấn, chủ nhà kiêm chủ thư viện “mini” mang tên “Gác Nobel” kể vanh vách về những đầu sách anh đã đọc, đã sưu tầm mà như kể về chính tuổi trẻ của mình. Đâu đó hơn 20 năm, những cuốn sách đã trở thành hành trang của nhà sưu tầm gốc Hội An, để anh tự hào xếp chúng vào một góc an yên trong tổ ấm của mình.

“Gia tài” tuổi trẻ

Gác Nobel được bố trí khéo léo trong căn nhà số 20 Giang Văn Minh (phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, Đà Nẵng), không gian yên tĩnh và nhẹ nhàng, cách biệt với ồn ã của trục đường chính. Thư viện này có hai tầng, một trệt một lửng nối với nhau bằng đoạn tam cấp cách điệu theo hình gáy sách. Chúng tôi nhìn một vòng, vừa choáng ngợp vừa thích thú với cơ số lớn những đầu sách trên nhiều lĩnh vực: văn học, lịch sử, giáo dục, nghiên cứu... Đặc biệt là hệ thống kệ sách được chủ nhà bày biện khoa học, dán nhãn phân loại không khác gì những thư viện chuyên nghiệp.

Gác Nobel là “gia tài” sau hành trình hơn 20 năm dày công tìm hiểu và sưu tầm của anh Ngô Thanh Tuấn với hơn 2.000 cuốn sách, trong đó phân nửa là sách của những tác giả đoạt giải Nobel văn học đã được dịch sang tiếng Việt.

“Từng này cũng là đam mê, là cái duyên cả. Hồi đi học tôi mê sách, giờ vẫn thế. Có thời gian là lặn lội qua những hàng sách cũ để tìm mua, rồi nhờ bạn bè hay người quen tìm giúp”, anh Tuấn nhớ lại. Suốt những năm tháng đó, chàng sinh viên Ngô Thanh Tuấn là khách quen của những hàng sách cũ khắp Đà thành như: 84 Hùng Vương, trước chợ Cồn, đường Hải Phòng hay khu vực Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng)… Sau này, trong những chuyến công tác xa nhà, hành trình của anh có thêm những cửa hàng sách cũ ở Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh…

Cuốn sách đoạt giải Nobel đầu tiên được Ngô Thanh Tuấn sưu tầm là “Tuổi trẻ và cô đơn” của Hermann Hesse, được dịch và xuất bản ở miền Nam năm 1968, chính thức đưa chàng trai gốc Hội An vào “con đường” tìm kiếm “cảo thơm”. Nếu không quen biết từ trước, có lẽ chẳng ai biết xuất phát điểm của anh Tuấn là ngành ngân hàng - một ngành nghề không mấy liên quan tới những cuốn sách và cũng không ai nghĩ một người bận rộn với những con số có thể dành thời gian sưu tầm nhưng cuốn sách độc đáo và biên dịch tuyển tập “Những chiến mã khu rừng đen” - bản dịch tuyển tập truyện ngắn của 7 tác giả đoạt giải Nobel văn học là Bjørnstjerne Bjørnson, Selma Lagerlof, Rabindranath Tagore, Anatole France, George Bernard Shaw, Shmuel Yosef Agnon và Pablo Neruda được NXB Đà Nẵng ấn hành mấy năm trước.

Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson” của nữ nhà văn Thụy Điển Selma Ottiliana Lovisa Lagerlöf được anh Tuấn sưu tầm trong hơn 7 năm. Ảnh: L.V

Tác phẩm “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson” của nữ nhà văn Thụy Điển Selma Ottiliana Lovisa Lagerlöf được anh Tuấn sưu tầm trong hơn 7 năm. Ảnh: L.V

Lưu hương giấy cũ

Trong hành trình tìm kiếm, sưu tầm sách Nobel, anh Tuấn bỏ không ít thời gian. Có khi là nhiều tháng, nhiều năm chỉ để hoàn thành một bộ sách cũ. Anh tìm hiểu về một tác giả đoạt giải Nobel thông qua tra cứu ở các thư viện, internet và trao đổi với bạn bè trên diễn đàn sachxua.net, xem tác phẩm nào đã được dịch ở Việt Nam để tìm mua, trao đổi…

Nếu coi sưu tầm sách là một “thú chơi”, thì “thú chơi” này cũng lắm công phu. Nhiều đầu sách đoạt giải Nobel có mặt trên lãnh thổ đất nước ta ở thế kỷ trước, được dịch và xuất bản gắn liền với những giai đoạn, những thời kỳ lịch sử khác nhau, có thể là ở đầu thế kỷ XX, thời kỳ Pháp thuộc, giai đoạn 1945-1975, thời kỳ bao cấp…

Theo anh Tuấn, do nhiều điều kiện tác động mà những tác phẩm đoạt giải Nobel khi ấy được dịch và xuất bản ở miền Nam nhiều hơn, đó là sách của những “cây đại thụ” như Hermann Hesse, Alekxandr Solzhenitsyn, Boris Pasternak, Mikhail Solokhov, Ernest Hemingway… Khác với hiện tại khi việc số hóa và tái bản sách đã dễ dàng và phổ biến, những đầu sách xưa do chiến tranh, điều kiện in ấn hay khâu bảo quản hạn chế đã bị thất lạc, hư hỏng, không trọn vẹn, dẫn đến việc sưu tầm cũng khó khăn hơn.

“Điển hình nhất là tác phẩm “Cuộc phiêu lưu kỳ diệu của Nils Holgersson” của nữ nhà văn Thụy Điển Selma Ottiliana Lovisa Lagerlöf - nhà văn nữ đầu tiên đoạt giải Nobel Văn học (Nobel năm 1909 - PV)… Thời điểm trước, bộ sách này được dịch, in khổ nhỏ và chia thành 5 cuốn nhỏ với tựa “Phiêu lưu trên lưng ngỗng” và bị thất lạc qua thời gian. Rất khó để tìm đủ 5 cuốn. Tôi mất khoảng 7-8 năm tìm mua, hỏi han, nhờ bạn bè gần xa, lang thang dọc các điểm bán sách cũ mới có được trọn bộ”, anh Tuấn kể lại.

Một tác phẩm khó tìm khác, có thể gọi là sách hiếm được anh Tuấn sưu tầm là “Nuôi thù” của nhà văn Nhật Bản Kenzaburo Oe - người đoạt giải Nobel Văn học năm 1994. Cuốn sách này được dịch và NXB Trình Bầy xuất bản ở miền Nam năm 1970. Qua một thời gian dài tìm kiếm, anh Tuấn được một người có cùng đam mê sưu tầm sách ở Thành phố Hồ Chí Minh chủ động liên lạc gửi tặng. Điều đặc biệt là trên trang lót của cuốn sách cũ có nhãn dán thông tin về một người chủ cũ của cuốn sách ở Đà Nẵng. Vậy là cuốn sách đã đi mấy vòng trong mấy chục năm, từ Thành phố Hồ Chí Minh, đến Đà Nẵng, lưu lạc trở lại phía Nam rồi tình cờ quay về Đà Nẵng, tọa lạc ở một góc Gác Nobel bây giờ.

Trong kho tàng sách ở Gác Nobel còn bản dịch toàn bộ tác phẩm thơ của Wislawa Szymborska, nữ nhà thơ Ba Lan đoạt giải Nobel Văn học năm 1996. Đây là món quà đáng nhớ mà anh Tuấn nhận được từ nhà thơ Ngu Yên ở Hoa Kỳ - người đã kỳ công dịch trong suốt 5 năm. Dù đầu sách này được niêm yết trên trang web bán hàng Amazon, nhà thơ Ngu Yên vẫn một mực gửi tặng cho người bạn mê sách ở phương xa chứ không chịu lấy tiền. “Có nhiều cuốn sách hiếm và quý được tôi và những người yêu thích việc sưu tầm sách mang ra trao đổi với nhau, quý không phải vì giá cả đắt hay rẻ mà đôi khi chỉ vì trên đó có chữ ký/thủ bút của người dịch, quý vì sự đồng cảm trong đam mê sách”, anh Tuấn chia sẻ.

Lan tỏa tình yêu sách

Những tác phẩm anh Tuấn vừa kể chỉ là một phần nhỏ trong nhiều câu chuyện của anh suốt hơn 2 thập kỷ sống cùng sách. Ngoài các tác phẩm của tác giả đoạt giải Nobel, tủ sách của anh còn nhiều đầu sách thuộc những giải thưởng nổi tiếng khác như: Man Booker (Anh), Pulitzer, National Book Award, Newbery (Mỹ), Goncourt, Medicis, Renaudot, Fémina (Pháp)… Những cuốn sách “lưu lạc” khắp nơi theo năm tháng, bằng sự tình cờ nào đó mà “gặp” được những người “mê mùi giấy cũ, thích tiếng sột soạt khi lật trang” rồi trở thành người bạn tri kỷ ở một góc an yên trong nhà. Sách nhiều, nhưng khi cần tìm một đầu sách bất kỳ, anh Tuấn có thể nhớ chính xác vị trí trưng bày hay chia sẻ chi tiết về thông tin tác giả, thời gian ra đời…

Trên Tạp chí Sông Hương tháng 9-2015, anh Tuấn có đăng bản dịch đoản văn “Hồi ức một người bán sách” của nhà văn người Anh George Orwell viết năm 1936 kể về khoảng thời gian ông làm nhân viên bán sách bán thời gian tại tiệm sách cũ Booklover’s Corner ở London, nước Anh. Trong đoản văn đó, anh tâm đắc lời chia sẻ của tiểu thuyết gia người Anh về sách: “Có một thời tôi thực sự say mê những cuốn sách - ngắm nhìn, ngửi và cảm nhận chúng, nhất là đối với những cuốn tuổi đời hơn nửa thế kỷ”.

Trong Gác Nobel hôm nay, có một Ngô Thanh Tuấn cũng ngày ngày “ngắm nhìn, ngửi và cảm nhận” những cuốn sách từ bốn phương. Thư viện Gác Nobel được anh “ghim” địa điểm lên bản đồ số Google Maps và chia sẻ trên mạng xã hội để giới thiệu rộng rãi. Anh xem đó như một không gian nho nhỏ, lan tỏa tình yêu sách đến bạn bè, người thân và cộng đồng yêu văn hóa đọc. Trong tương lai, nếu có điều kiện hơn, anh cũng mong muốn có được không gian chuyên biệt về sách để chào đón mọi người. Từ đây, những người yêu sách, cần tài liệu nghiên cứu có thể đến và ngồi đọc tại chỗ.

Anh Tuấn chia sẻ, điều đầu tiên khi đọc sách chắc chắn là giá trị tinh thần lành mạnh, thỏa mãn sở thích cá nhân, có được sự thoải mái khi sở hữu những đầu sách mình mong muốn. Tiếp đó, sách không phải vật vô tri, bởi mỗi cuốn sách ngoài tri thức bên trong còn lưu lại cả một câu chuyện trường tồn phía sau về hành trình nó ra đời và những dấu thời gian đã đi qua…

Có thể bạn quan tâm