Góp phần đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách nhân quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
 

(GLO)- Về sự kiện Việt Nam được bầu chọn vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016 với số phiếu cao nhất, ông Ngô Khắc Ngọc-Giám đốc Sở Tư pháp cho biết:

Sự kiện Việt Nam được Đại hội đồng Liên hợp quốc nhất trí bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khóa 2014-2016 với số phiếu thuận khá cao (184/192 phiếu) đã minh chứng thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, mà là kết quả có được từ các thành tựu về nhân quyền, sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam.

Qua đây cho thấy dù các thế lực thù địch đã dùng nhiều thủ đoạn đen tối nhưng cũng không thể xuyên tạc sự thật đầy thuyết phục từ các thành tựu nhân quyền của Việt Nam được ghi nhận trong Hiến pháp, pháp luật đã và đang thực thi trên thực tế. 

Đối với tỉnh Gia Lai, trong những năm qua, các cấp ủy đảng và chính quyền đã triển khai thực hiện rất nhiều chủ trương, chính sách cụ thể, thiết thực bảo đảm an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Trong đó, chú trọng đến các nhóm yếu thế, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa; tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.

Chính từ việc quyền con người, quyền công dân được đảm bảo và phát huy, sự tham gia tích cực của người dân vào mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội đã góp phần đảm bảo ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn trên 12%, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh không ngừng được cải thiện và nâng cao.

- Thời gian tới, với chức năng là cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh trong lĩnh vực tuyên truyền pháp luật và là thành viên của Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh, Sở Tư pháp đặt trọng tâm vấn đề gì?

Ông Ngô Khắc Ngọc: Gia Lai có điều kiện kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí còn thấp so với cả nước. Với chức năng là cơ quan tham mưu UBND tỉnh và là thành viên Ban Chỉ đạo nhân quyền tỉnh, chúng tôi quan tâm hai vấn đề.

Ảnh: Thanh Hải

Thứ nhất là tham mưu cho tỉnh trong việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước có liên quan đến chính sách phát triển kinh tế-xã hội, dân tộc, tôn giáo, quốc phòng-an ninh, xóa đói giảm nghèo… đảm bảo phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và thực thi nhân quyền trong thực tế. Kịp thời phát hiện và khắc phục những khiếm khuyết, không phù hợp về thể chế không để các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, chống phá.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác phối hợp, tổ chức thực hiện việc thông tin, tuyên truyền về quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và những thành tựu của tỉnh trên các lĩnh vực dân sự, kinh tế, xã hội với nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Làm cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số hiểu rõ tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, qua đó phản bác các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch.

Tiếp tục triển khai sâu rộng Luật Phổ biến giáo dục pháp luật, Kết luận số 04-KL/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Quyết định số 409/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh; tổ chức phổ biến các văn bản pháp luật mới có liên quan đến nhân quyền, nhất là Hiến pháp 1992 (sửa đổi) Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi Quốc hội ban hành. Kịch liệt phản đối các luận điệu xuyên tạc, chống phá, vu cáo về nhân quyền bằng những chứng cứ thông qua quy định của Hiến pháp, pháp luật và thực tế, nhằm phản ánh đúng về tình hình nhân quyền ở Gia Lai.

- Xin cảm ơn ông!

Lê Văn Nhung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm