Góp phần xây dựng nông thôn mới và cải thiện đời sống người dân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước, quân đội giao, ngay từ khi thành lập, Binh đoàn 15 tập trung ổn định biên chế tổ chức, xây dựng cơ sở hạ tầng. Năm 1986, Binh đoàn bắt tay vào việc vận động, tuyển dụng người lao động dân tộc thiểu số tại chỗ vào làm công nhân, thành lập đội công nhân đồng bào dân tộc thiểu số có tên gọi Đội 711 thuộc làng Chan, xã Ia Pnôn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai-Kon Tum (nay là huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), vận động đưa được 65 hộ, 98 lao động nhận trồng, chăm sóc 34 ha cao su.
 

Làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Lê văn

Do thói quen du canh-du cư, cây cao su lại chưa cho ra sản phẩm, mặt khác còn mang nặng tư tưởng lạc hậu, lại bị kẻ xấu kích động nên một số hộ, số lao động đã bỏ việc. Từ 65 hộ còn 22 hộ, từ 98 lao động còn 27 lao động. Tuy vậy, tập thể cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn vẫn bền bỉ, kiên trì, thuyết phục, vận động bằng các hình thức: giúp đỡ làm đất, hỗ trợ vốn, hướng dẫn kỹ thuật trồng xen canh cây hoa màu các loại trong hàng băng các lô cao su chưa khép tán. Quá trình vừa làm cao su, cà phê, vừa trồng xen, cây ngắn ngày nuôi cây dài ngày, có thu nhập, đời sống được cải thiện và từng bước được nâng lên, ổn định hơn so với số hộ không vào làm với Binh đoàn. Từ mô hình này, Binh đoàn tiếp tục nhân rộng ra các đơn vị thành viên, quá trình vừa làm, vừa học hỏi, tham khảo thị trường lai ghép các giống cây cao su... Phương châm hành động là “Binh đoàn gắn với tỉnh, huyện; công ty gắn với huyện, xã; đội sản xuất gắn với thôn, làng”. Không dừng ở đó, những người lính Binh đoàn tìm ra “Mô hình hộ gia đình gắn kết” cùng nhau vượt qua khó khăn, vận dụng khoa học kỹ thuật, xóa bỏ các hủ tục để đạt những thành quả chung.

Trải qua gần ba thập kỷ, cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, người lao động Binh đoàn 15 luôn được cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương các dân tộc thiểu số đùm bọc và che chở, chung sức xây dựng vùng đất đỏ bazan thành vùng đất giàu về kinh tế, vững về chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh. Trên 42.000 ha cao su trải khắp dọc theo vành đai biên giới của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum và các nước bạn Lào, Campuchia, cho giá trị bằng những dòng nhựa trắng mỗi ngày có thể lên tới hàng tỷ đồng, lợi nhuận năm sau cao hơn năm trước.

 

Ảnh: Lê văn

Ngoài cây cao su, Binh đoàn trồng được 500 ha cà phê, 80 ha lúa nước, giải quyết việc làm cho trên 16.000 hộ (trong đó có hơn 8.000 hộ là đồng bào địa phương) với gần 10.000 lao động nhận khoán, chăm sóc cao su, cà phê, lúa nước, chiếm gần 50% tổng diện tích của Binh đoàn đang quản lý. Đi đôi với việc trồng cây công nghiệp, nông nghiệp, Binh đoàn còn làm được trên 1.000 km đường giao thông các loại; 3 trạm thủy điện với trên gần 100 km đường điện trung hạ thế; trên 100 hồ đập lớn, nhỏ; 6 nhà máy chế biến mủ cao su; 1 nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh; nhiều trạm thu sóng truyền hình; trên 100 nhà trẻ mẫu giáo; 7 trường tiểu học và trung học cơ sở... Đến nay, 100% hộ gia đình có đầy đủ các phương tiện nghe nhìn, xe máy đi lại phục vụ sản xuất, góp phần xây dựng nông thôn.

Có thể nói hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của Binh đoàn 15 trên địa bàn Tây Nguyên được Đảng, Nhà nước, quân đội đánh giá không chỉ ở giá trị kinh tế, mà còn ở ý nghĩa chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng-an ninh... Đó là giá trị từ việc tạo lập ra các khu kinh tế mới ở vùng nông thôn, giải quyết việc làm, nhất là việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển văn hóa, y tế, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nông thôn... Binh đoàn xứng đáng là con chim đầu đàn của quân đội trong phát triển kinh tế-quốc phòng-dân cư-xã hội và xây dựng nông thôn mới trong tình hình hiện nay.

Lê văn

Có thể bạn quan tâm