Gửi trọn ân tình trên biên giới quê hương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày đầu năm 2014, chúng tôi có chuyến hành trình thăm lại vùng đất biên cương của Tổ quốc. Khác với những lần trước, chuyến đi lần này của đoàn chúng tôi có sự phối hợp giữa Báo Gia Lai, Bảo hiểm Nhân thọ Prudential khu vực Tây Nguyên và Bệnh xá Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh đến khám, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo tại hai xã biên giới Ia Puch, Ia Mơr (huyện Chư Prông).

Sau hơn 1 giờ lắc lư trên chiếc xe chuyên dụng của Bệnh xá Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, chúng tôi có mặt tại Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Puch, địa điểm tổ chức khám, cấp phát thuốc và tặng quà cho người nghèo của xã. Lúc này, trời còn mờ sương, từng cơn gió thốc lên mang theo giá lạnh đặc trưng của vùng biên viễn. Sau những cái bắt tay thân mật, những cái ôm nồng thắm của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng khi gặp lại những người quen cũ, cả đoàn khẩn trương sắp xếp hành lý, phương tiện phục vụ cho công tác khám bệnh, cấp phát thuốc.
 

Khám bệnh và cấp thuốc cho bà con xã Ia Puch, huyện Chư Prông. Ảnh: L.A

Cầm trên tay bản danh sách số người nghèo đến khám bệnh đợt này, ông Siu Kim-Chủ tịch UBND xã Ia Puch chia sẻ: “Dù đang trong giai đoạn thu hoạch mì nhưng khi nghe thông báo về chương trình này, bà con ai cũng vui mừng, sắp xếp công việc để đến từ sớm…”.

Là một trong những người đến đây sớm nhất và được khám bệnh đầu tiên, bà Rơ Lah Hueng cho biết: “Gia đình có hai vợ chồng già, lại hay ốm đau nên tôi đến từ sớm để chờ khám bệnh. Còn chồng tôi thì đang cùng với Bộ đội Biên phòng làm vệ sinh môi trường ở nhà sinh hoạt cộng đồng của xã, sẽ xuống khám sau…”. Vừa dứt câu, bà Hueng cẩn thận cất gói thuốc vào túi áo, khoác chiếc gùi lên vai rảo bước về phía cuối đường trong nụ cười hạnh phúc.

Mặt trời càng lên cao, những tia nắng ấm áp xua tan đi màn sương giá lạnh. Trên các ngả đường, bà con đến khám bệnh ngày một đông, chẳng mấy chốc đã chật kín một khoảng sân. Tại đây, đoàn đã khám, phát thuốc cho gần 200 người dân trên địa bàn xã Ia Puch. Sau khi hoàn tất công tác khám bệnh, cấp phát thuốc, Báo Gia Lai đã trao tặng những phần quà đầy ý nghĩa cho UBND xã và Đồn Biên phòng Ia Puch. 30 hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, người có công cũng được Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Prudential tặng quà, khiến bầu không khí nơi đây càng trở nên vui vẻ, thắm đượm nghĩa tình.

Đúng theo lịch trình, khi mặt trời xuống dần sau đỉnh núi, đoàn chúng tôi đến Đồn Biên phòng Ia Puch nghỉ ngơi để chuẩn bị cho chuyến hành trình mới đến với bà con nghèo xã Ia Mơr. Bữa cơm tối với “cây nhà lá vườn” được chế biến dưới bàn tay người lính Biên phòng mang đậm phong vị của núi rừng, làm cho những thực khách như chúng tôi đều trầm trồ thán phục…

Ông Đoàn Thanh Tùng-Trưởng đại diện Prudential 4 tỉnh Tây Nguyên cho biết: “Dù đã đi hoạt động từ thiện rất nhiều nơi, nhưng khi tiếp xúc với bà con trên vùng biên giới, tôi lại cảm thấy vô cùng xúc động. Trong lần này, đoàn sẽ khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 400 người, cùng với 50 phần quà cho bà con nghèo ở hai xã Ia Puch và Ia Mơr. Dù những phần quà không lớn, nhưng đó là tấm lòng, là chút hơi ấm gửi đến bà con nghèo nơi biên cương của Tổ quốc nhân dịp Xuân về…”.

Trong cái tĩnh mịch của màn đêm trên biên giới, chúng tôi được nghe những câu chuyện vui buồn của đời lính Biên phòng. Trong số ấy tôi bắt gặp ánh mắt hạnh phúc của Thiếu tá Trần Văn Dũng-y sĩ Bệnh xá Bộ Chỉ huy Biên phòng tỉnh, khi anh kể về kỷ niệm với bà con nơi vùng biên giới: Tốt nghiệp Trường Trung học Quân y, tôi được điều động về Đồn Biên phòng 725 công tác. Vào năm 1996, trong một lần được Chỉ huy đồn giao nhiệm vụ đi cùng tổ tuần tra biên giới, hành quân cách đơn vị một quãng khá xa, bất chợt chúng tôi nghe tiếng phụ nữ khóc. Chúng tôi nhanh chóng tiếp cận thì phát hiện ra một cô gái Jrai khoảng 20 tuổi sắp đến ngày vượt cạn.

Qua dò hỏi, tôi biết được cô gái tên Rơ Châm Hoa đang đi làm rẫy thì chuyển dạ. Dù lúc ở trường tôi cũng có được học qua sản khoa, nhưng các ca đỡ đẻ được thực hiện trong các cơ sở y tế, còn giữa rừng đây là lần đầu. Bằng tình cảm và trách nhiệm của người thầy thuốc quân hàm xanh, được sự trợ giúp của đồng đội, tôi vừa động viên cô gái vừa tiến hành đỡ đẻ. Sau hơn một giờ vất vả, một bé trai khôi ngô nặng khoảng hơn 3 kg cất tiếng khóc chào đời. Nhưng có lẽ do kiệt sức nên sản phụ ngất xỉu, kèm theo hiện tượng băng huyết. Bằng các biện pháp chuyên môn, tôi vừa hồi sức đồng thời sử dụng các thuốc cầm máu hiện có, kết hợp với các loại lá cây thuốc ở rừng. Sau một lúc, cô gái tỉnh dần, mạch bắt được, huyết áp được nâng lên. Cả tổ công tác nhanh chóng đưa mẹ con Hoa về đơn vị và cử người đi thông báo với gia đình.

5 giờ sáng, tiếng kẻng báo thức vang lên khuấy động một góc trời nơi biên giới. Với một vài người trong đoàn, có lẽ đây là lần đầu tiên thực hiện theo nếp sống quân ngũ. Sau bữa cơm sáng, cả đoàn chia tay các cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ia Puch để đến với bà con nghèo xã Ia Mơr. Gần một giờ vượt qua những con đường đất gập ghềnh, chúng tôi đã có mặt tại Đội công tác địa bàn của Đồn Biên phòng Ia Mơr. Thật bất ngờ, bà con đã tập trung khá đông đủ.

Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, Trung úy Rơ Ô Thuy-Đội trưởng Đội công tác địa bàn giải thích: “Hôm nay bà con đến sớm không chỉ được khám bệnh, cấp phát thuốc mà còn đến để nghe tuyên truyền về vấn đề ba không: không theo bọn phản động đi biểu tình, không theo “Tin lành Đê-ga” và không vượt biên sang Campuchia...”.

Cũng như tại Ia Puch, buổi khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí và tặng quà cho người nghèo của đoàn chúng tôi diễn ra trong bầu không khí vui vẻ, ấm cúng, thấm đượm tình người, tình quân dân.

Lê Anh

Có thể bạn quan tâm