Anh sinh năm 1988, dân tộc Dao, quê ở bản Khe Rộng, xã Kiên Thành, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái.
Hai năm trước, anh gây xôn xao văn đàn với tập thơ “Yao”, viết về dân tộc mình một cách tự tin, bình đẳng, đặc sắc và cũng rất bản sắc bằng một thứ ngôn ngữ Việt hiện đại và dung dị.
Anh cất lên tiếng nói “dân tộc mình” như thế này: “Tiếng nói dân tộc mình/Những lớp/Những hoa/Nở dầy/Miếng trầm trong thân dó”. Hình ảnh “miếng trầm trong thân dó” nó rất ám ảnh, đầy sự tích tụ và lan tỏa.
Tới nay, Lý Hữu Lương đã có 4 đầu sách, có nhà thơ đàn chị gọi Lý Hữu Lương là “Người vẽ khuôn mặt làng”. Trên thế giới cũng từng có những nhà văn, nhà thơ “từ làng”, viết về làng, “vẽ khuôn mặt làng” mà nổi tiếng toàn thế giới, bắt cả thế giới phải đọc phải biết phải hiểu và phải yêu làng mình.
Cũng có một số người “mượn” bản sắc dân tộc, mượn làng để ngô nghê hóa thơ. Lý Hữu Lương thì ngược lại, anh là “làng” thứ thiệt, Yao (tiếng Dao là Dao tộc) thứ thiệt, nhưng anh là người “mang tri thức, suy nghĩ của làng, mang không gian sinh tồn đó ra thế giới hiện đại, ra trung tâm, mà “khoe” với thiên hạ”.
Với “Yao”, tập thơ được vinh danh trong “Giải thưởng tác giả trẻ” lần thứ nhất năm 2021 của Hội Nhà văn Việt Nam, Lý Hữu Lương cho rằng mình: “Vọng cố hương-nhưng tôi đã và đang nhìn ở những điểm nhìn, cách nhìn hiện đại, truyền tải tinh thần dân tộc qua ngôn ngữ hiện đại, đọc Yao không có nghĩa chỉ ám ảnh riêng về Dao tộc qua mấy ngàn năm thiên di, mà tôi tin, còn tìm thấy hình dáng, tư tưởng, lịch sử của sắc tộc khác trong đó.
Như thế, Yao, mặc nhiên gợi mở được những thi ảnh, cách nhìn, cách nghĩ, cảm hứng khác của người đọc về chân dung một dân tộc”. Và vì thế, anh nhìn làng Dao của mình như thế này: “Từ rất xa tôi nhìn lại phía làng/Chỉ thấy chân mây màu lập thể/Thăm thẳm xanh vùng trời tín ngưỡng/Mang sắc phục em đồng cỏ chớm ngày”.
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
Người Dao
Người Dao mình
Ăn xôi ngũ sắc
Cúng gia tiên bằng lợn bằng gà
Trai lớn thì cấp sắc
Cho bảng văn dài mấy nét thêu áo người
Sống thẳng ngay như lòng vỏ dao tay
Ăn trăm năm bồ hóng trên vách.
Người Dao mình
Không biết giận cái nhỏ
Không tham nghĩ cái lớn
Thương sức mình núi chật
Mà nghĩa tình thủy chung.
Người Dao mình
Bằng đầu gối bò trên đá
Bằng cái đầu đi trên núi
Người Dao không biết đường
Mài cho sắc rựa rìu mở lối.
Mấy trăm năm
Người Dao mình
Những hồn đựng quả bầu khô trên vai
Lầm lũi dáng người
Trôi trôi như lá vàng mái nóc…
Tiếng nói dân tộc tôi
Dân tộc tôi
Tiếng nói nước chảy mái cọ
Nhận nhau khuôn mặt
Bằng biểu cảm ngôn từ ngữ điệu.
Dân tộc tôi
Người khôn rảnh lời
Dẫu có khổ thì thịt da đen cháy
Bằng tiếng nói
Giữ hồn cốt tổ tông mình
Cha mẹ nuôi con mọc răng
Ru bằng páo dung
Truyền cho con tiếng nói
Bằng cột, vì kèo dựng lên mái
Bằng tiếng dân tộc mình
Đi trăm phương còn giữ gốc.
Tiếng nói dân tộc mình
Những lớp
Những hoa
Nở dầy
Miếng trầm trong thân dó!
Trăng quê mình
Em thì ngồi hát về cuộc thiên di
mùa trăng lên rất chậm
tiếng gà rừng gọi nhau khản giọng
trời thì cao chân ngựa chạy mải mê
một hoàng hôn mai mái mặt người.
Em thì ngồi hát về cuộc thiên di
Tôi thì hát về nỗi khổ trên vai tộc người
về những mùa lá vàng đun chiều nhám lửa
về cuộc đề kháng cuối cùng chết trước bình minh.
Hỡi hồn ơi, tan trong bụi lau rừng nứa
những nấm mồ tổ tiên
những ông bà cụ kị tôi chưa biết mặt
không có thơ đâu chỉ là câu hát
ru suốt bao nhiêu đời không biết mệt
ru những đường về qua đỉnh núi Bàn Mai.
Hãy nhìn lũ con ta tóc xanh tóc đỏ
rũ rượi kéo nhau về cuối chợ phiên
và ngày mai họ tỉnh dậy
ngơ ngác giữa đất trời
con chim cuối cùng lạc bầy
hót một tiếng khản giọng.
Điệu páo dung đêm nay buồn không
điệu páo dung đêm mai buồn không
gió lạ xô tới mặt
núi ngửa mặt
buồn hơn tôi
đau hơn tôi
già hơn tôi
Nhìn lũ tôi thiên di một miền khác…