Thế hệ chúng tôi, từ khi là sinh viên, đã từng mong và tìm đọc thơ Thanh Thảo mỗi ngày.
Có vẻ như ông viết gì cũng hay, từ trường ca như “Khối vuông ru bích” nổi tiếng một thời tới những bài thơ ngắn, lạnh và lý trí, nhưng sâu thẳm là những nỗi niềm, là tình yêu. Bài thơ “Đàn ghi ta của Lorca” được đưa vào sách giáo khoa lớp 12 từ năm 2007 tới nay là một ví dụ. Biết bao thế hệ học trò đã học, thi và đã... chán nhà thơ này vì ông mà phải học một bài thơ rất khó, nhưng học rồi thì thấy thích bởi những thi ảnh quá đẹp, bởi những liên tưởng mênh mông và bởi cái thần của bài thơ.
Ông tên thật là Hồ Thành Công, quê ở xã Đức Tân, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Tốt nghiệp Khoa Ngữ văn, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội khóa 10 (1965-1969) và vào chiến trường miền Đông Nam Bộ từ đầu những năm 1970. Ông tham gia mặt trận với tư cách người lính và phóng viên chiến trường. Và vì thế, ám ảnh chiến tranh trong thơ ông rất đậm. Ông viết về điều ấy như thế này: “Rồi tới lúc chúng con thay áo khác/Nhưng khi cởi áo ra/Con không còn gì thay được!”.
Có cảm giác ông nhìn vào cái gì là cái ấy thành thơ, ra thơ, từ anh nông dân “chân đất” tới bông hoa ngũ sắc, từ cái ống cóng tới những dấu chân qua trảng cỏ, từ “tiếng ghi ta nâu” tới “thằng bạn tôi đăm đăm/nhìn một ngôi sao mọc trong hố bom nhòe nước/đôi mắt nó lạ lùng mà tôi thấy được/chứa đầy một hố bom và một ngôi sao”…
Gần 20 trường ca, tập thơ thì... không thống kê nổi, ông là một vì sao sáng trong thế hệ thi sĩ toàn sao ấy.
Thơ tình của ông cũng khiến người đọc bồi hồi: “Đất nước có sông Hồng rồi anh có em/Ngày mây trắng cuộn giữa vùng nước xoáy/Anh chợt nghĩ tới điều đơn giản ấy/Tình yêu đậm màu qua mỗi ngấn phù sa/Hai bờ trông nhau sao giống hai ta/Dòng sông rộng như cuộc đời ở giữa/Em cứ nhận phần em bên lở/Phù sa bãi bờ anh là tất cả của em thôi”. Mới nhất, ông ra tập “Hoa ngũ sắc”, gồm tản văn và thơ, phát hành đúng ngày giỗ đầu nhà báo Ý Nhi, vợ ông. 16 bài thơ trong tập này ông viết riêng cho vợ. Hiện đã 78 tuổi, ông vẫn tràn đầy năng lượng sống và viết tại Quảng Ngãi quê nhà.
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
Hoa ngũ sắc
vươn lên sau lũ lụt tai ương
thân cành lấm láp bùn đất hoa
ngũ sắc tự nở không vội
một cái nhìn ngũ sắc
một im lặng ngũ sắc.
nó là tuổi thơ đứa bé chăn bò
tuổi già ngọn đồi
gió lục lọi từng vệt màu mặt trời
trải đầy buổi sáng
hãy xích lại gần anh
em có mùi hương rất dại
em không thích hợp với bất cứ lọ cắm hoa nào
em ngũ sắc
anh đang cố nhưng thật khó nuốt
những nhàn nhạt
anh thuộc về mắm mặn ớt cay
anh ngũ sắc.
Tôi thích mình là một cái cây
“rồi trong mơ ta hóa thành cây
cây nho nhỏ lá xanh cành gầy
đi lang thang trong thành phố hừng đông
khe khẽ rung như một chiếc chuông con”
một cái cây sống
nhỏ to không quan trọng
một cái cây
không bị ai bán đứng
dù cổ thụ hay tơ non
một cái cây trầm ngâm
nói chuyện gì không ai nghe rõ
bạn bè quanh năm gió
cười một mình xanh chút nắng chút mây.
tôi ước mình là một cái cây
thi thoảng có chim tới hót
con chim sâu bé bỏng nhảy nhót
chẳng cần biết thế giới ra sao.
một cái cây xanh đến từng chiếc lá
buổi sớm tỏa dưỡng khí
ban đêm hứng ánh trăng
một cái cây lang thang
dù đứng im một chỗ.
những ngày rồi qua những người rồi xa
cái cây rung khẽ từng chiếc lá
chúng ta là ai chúng ta về đâu
chờ mãi cơn mưa rào rất lạ.
nắng gay gắt cứ như cáu gắt
cây lá nhỏ nép mình chật vật
chúng ta là ai xanh được bao lâu
lặng im lá vàng rơi chạm đất.
Thu cảm
có một mùa thu rơm vàng
cơn gió bàn tay người thân
xoa trên mặt anh khoáng đãng.
có một mùa thu đầy ắp
những gì ta hững hờ quên
những gì vô lý vô ích
tụ về bộ nhớ cây xanh.
hàng dừa bung những chiếc ô
bay lên nhẹ như hơi thở
con chó đen nhìn lớ ngớ
thánh giá nhòa tan sương mờ.