Từng là lính trước khi là nhà thơ, nhà báo, anh có sự chững chạc, từng trải, sự thâm trầm và tinh tế trong từng câu chữ và cao hơn là trách nhiệm với đời sống, với cộng đồng, với những điều lớn lao mà những người cầm bút chân chính hướng tới... “Thôi về vui với Thiên Cầm/Bao năm đi lạc ngủ nhầm nhà quan/Thôi về ẩn giữa đại ngàn/Rửa tai mà nhận oán than dân nghèo/Bão đời đã đủ gieo neo/Bão người mấy bận hồn treo cột buồm/Dù cho nắng núi mưa nguồn/Ngửa mặt nằm đếm chuồn chuồn đoán mưa/Phụ quê, quê phụ đã chừa/Bên kia hàng xóm cũng vừa... hồi quê”.
Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.
Mẹ già neo lại đất quê
Minh họa: Huyền Trang |
Thế là chị lại sang sông
Về theo anh ấy là đồng đội cha
Neo quê còn mỗi mẹ già
Bốn tao nôi mỏng chia ra ba miền.
Cha giờ hóa nắng Điện Biên
Hai anh hóa cát Trị Thiên bời bời
Xòe tay mượn lửa mặt trời
Đốt mây gom khói gửi người còn xa.
Một chiều xứ Thanh
Minh họa: H.T |
Ta lại đến bơ vơ đền Độc Cước
Mơ xưa hoàng hạc trăng gầy
Biển cổ tích biển buồn như sỏi đá
Ai nghĩ ra Trống Mái để chờ nhau?
Sầm Sơn chuốt lại mi cong
Trường Lệ, lệ nay còn chảy?
Bao đền đài cung nữ về đâu?
Phủ Trịnh trả trời xanh cung kiếm cũ.
Bao giờ trở lại Lam Kinh
Người nhặt hộ ta viên ngói vỡ
Biết đâu về được ngày xưa
Dấu trong mặt buồn Thành Đá.
Không còn về kịp Nga Sơn
Để thương phận chàng Từ Thức
Gặp chi để rồi ngơ ngẩn
Chiều thu tiên vội về trời.
Một mình một biển một thuyền xa
Lạc trong chùa vắng một tiếng gà
Lạnh đã sang sông quàn cung cấm
Ta về sưởi ấm với tàn y.
Em có còn về kịp tháng ba xưa
Minh họa: H.T |
Em đâu về ủ ấm tháng ba
Rét nàng Bân người đi không trở lại
Hoa sưa trắng như một thời vụng dại
Mắt ai ne nép phía sau rèm.
Em có về ủ ấm tháng ba
Bến đò gầy chống sào chờ hoa gạo
Sông vẫn nước người xưa lau lách cũ
Ta thả trôi bao thề ước theo dòng.
Ở cuối nguồn em có vớt lên không?
Hay cứ để cho sông tìm ra biển
Những bão giông tháng ba này em biết
Sẻ ri về rét rụng dưới tàng cây.
Thôi gửi em thêm một nhánh mai gầy
Những ân ái ngày xa chiều bạt gió
Thôi gửi em những lời còn bỏ ngỏ
Một yêu thương lấp ló yếm đào.
Tháng ba về tháng ba về nữa không
Hay cứ thế mà theo sông biền biệt
Phía đầu nguồn trăng non hun hút gió
Em có còn về kịp tháng ba xưa?