Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Gương mặt thơ: Phạm Hồng Oanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những năm 90 của thế kỷ trước, bất ngờ xuất hiện một bài lục bát trên thi đàn cả nước, được giải cuộc thi “Tác phẩm tuổi xanh”, lọt vào tuyển tập thơ lục bát Việt Nam.

6-nha-tho-pham-hong-oanh-7257.jpg

Đó là bài “Muối dưa”. Tôi đọc và hết sức thán phục. Tứ hay, đề tài hay, hình ảnh đẹp, nghệ thuật lục bát hết sức nhuần nhuyễn: “Tươi cái mất, héo cái còn/Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa”. Tôi khoe ầm lên với bạn bè văn chương Gia Lai: Truyền nhân của Nguyễn Bính đây rồi.

Mới rồi, có việc ra Thái Bình, vào thăm nhà thơ Đỗ Trọng Khơi (Báo Gia Lai cuối tuần đã giới thiệu), gặp một cô giáo, hỏi ra mới hay chị chính là tác giả bài “Muối dưa”. Chị là Phạm Hồng Oanh, giáo viên THCS, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, tác giả của 3 tập thơ và có tới 6 giải thưởng về văn học.

Không chỉ bài “Muối dưa” được Phạm Hồng Oanh viết khi đang còn là sinh viên, các bài thơ khác của chị mà tôi từng đọc đều phảng phất cái vị xa xót, vị ngái mặn, vị nồng nã quê mùa của xứ đồng bằng Bắc Bộ mà mỗi lần nhớ tới, tôi đều hình dung ra các bà các cô răng đen khăn mỏ quạ, đẹp nền nã, cắm cúi trên những cánh đồng đục mờ sương muối hoặc những bờ đê với hoa xoan tơi bời gió, những phiên chợ quê hoa gạo cháy hết mình trong những tinh sương mờ ảo bên sông trôi và tình người nó cứ đan cài xoắn quện: “Bờ đê vẫn lối con về/Giờ xanh xao gió, giờ bề bộn sương/Khi kề bên những yêu thương/Giận mình có lúc thiệt-hơn máu đào/Giờ đây thừa tiếng con chào/Chỉ còn nghĩa tử đậu vào gió quê”.

Và thú vị nữa là, lục bát chị vẫn thế, đọc lên vẫn rất một miền riêng, hết sức đằm thắm, nhuyễn và... không cũ dù thi ảnh rất quen, rất truyền thống: “Gặp bông hoa huệ cuối mùa/Vẫn tươi tắn nở góc chùa phong rêu!”. Hoa huệ, mà lại huệ cuối mùa, góc chùa mà lại còn rêu nữa, nhưng câu lục bát vẫn cứ long lanh, rờ rỡ. Tôi còn như thấy ở góc chùa ấy, một nữ thi sĩ, lặng lẽ, khiêm nhường rồi băn khoăn: “Người đến từ trăm năm/Ta hay chiều chẳng biết/Hình như là kiếp trước/Ta lỡ làng đường tu”.

Không chỉ thơ, Phạm Hồng Oanh còn viết truyện ngắn và cũng từng được giải thưởng truyện ngắn của tỉnh Thái Bình và tạp chí “Tài hoa trẻ”.

Nhà thơ Văn Công Hùng chọn và giới thiệu.

Chợt

chot-3391.jpg
Minh họa: Huyền Trang

Chợt đến từ đâu đây

Một dáng chiều thao thức

Chợt xanh từ ký ức

Cả một miền chưa xanh!

Chợt gặp tiếng chuông ngân

Cho chiều thành tháp cổ,

Chợt gặp nhành hoa nở

Dắt mùa vào xa xăm.

Người đến từ trăm năm

Ta hay chiều chẳng biết,

Hình như là kiếp trước

Ta lỡ làng đường tu.

Muối dưa

muoi-dua-4747.jpg
Minh họa: H.T

Tươi cái mất, héo cái còn

Tôi đem nén những nỗi buồn làm dưa

Tưởng vừa chớm đến độ chua

Lại ra vị đắng chẳng ngờ vì đâu.

Một thời mặn nhạt cho nhau

Xót xa nào nghĩ nát màu lá xanh

Gỡ xong ngày tháng vô tình

Lòng ai chừng đã nổi thành váng chua.

Hoa vàng nở giữa chiều mưa

Gió đưa cây cải ngày xưa về trời

Thương thầm từng cọng rau tươi

Rưng rưng cái mất, chơi vơi cái còn!

Gặp ở chiều thu

Dặt dìu trong tiếng gió thu

Nghe đâu đó, tiếng chim gù ngọt hơn.

Mây chiều chẳng rõ nguồn cơn

Cứ sầm sập, cứ dỗi hờn... mà mưa.

Vần gieo từ những ngày xưa

Mà sao sâu lắng vẫn chưa trọn bài?

Hình như mỗi đoạn đường dài

Còn vương lại những hình hài mông lung.

Thu còn mới mẻ gì không

Cho ta cơn cớ chờ mong gió lùa?

Gặp bông hoa huệ cuối mùa

Vẫn tươi tắn nở góc chùa phong rêu!

Có thể bạn quan tâm