Xã hội

Lao động - Việc làm

Gương sáng làng O Đất

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Không chỉ vận động người dân xóa bỏ tập tục lạc hậu, ông Lek (làng O Đất, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực cảm hóa đối tượng lầm lỗi và tham gia hòa giải mâu thuẫn. Ông được người dân tin tưởng, quý trọng.

Ông Lek cho biết: Xã Ia Băng có 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, một bộ phận người dân nhận thức còn hạn chế nên cứ cho rằng khi người nhà đau bệnh, chết bất thường là do “ma lai”, “thuốc thư”. Có trường hợp bị vu là “ma lai”, có “thuốc thư” rồi bị người khác kỳ thị, xa lánh, nói xấu gây ảnh hưởng đến đời sống và an ninh trật tự địa phương.

Đơn cử, năm 2021, 5 hộ dân làng Bông Lar có hành vi chửi bới, phạt vạ vì nghi ngờ ông B. dùng “thuốc thư” hãm hại người thân trong gia đình họ. Biết chuyện, ông Lek kịp thời phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và người có uy tín đến từng hộ dân tuyên truyền, giải thích. Sau quá trình vận động, giải thích, hai bên đã hiểu rõ. Ông Sưk cho hay: “Trước đây, do thiếu hiểu biết nên đã đổ vấy cho ông B. là có “thuốc thư” hãm hại khiến sức khỏe của mình ngày càng suy giảm. Tuy nhiên, ông Lek giải thích và vận động mình đến cơ sở y tế khám bệnh, lấy thuốc uống. Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán mình bị bệnh đái tháo đường chứ không phải do “thuốc thư”.

Ông Lek. Ảnh: R'Ô HOK

Ông Lek. Ảnh: R'Ô HOK

Làng O Đất có 319 hộ/1.317 khẩu, hơn 90% là người dân tộc thiểu số. Trước đây, nhiều người trong làng tin nghe theo lời xúi giục của kẻ xấu. Trong giai đoạn 2001-2004, các đối tượng phản động đã sử dụng các luận điệu sai trái đánh vào tâm lý để lôi kéo bà con tham gia biểu tình, bạo loạn và vượt biên. Vì vậy, nhiều người dân bỏ gia đình, công việc, làng xóm đi theo rồi vướng vào vòng lao lý.

Trước tình hình đó, ông Lek phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, giải thích cho người thân của các đối tượng kêu gọi từ bỏ con đường lầm lạc, trở về với cộng đồng. Đối với các trường hợp ngoan cố, ông đến tận nhà phân tích âm mưu, thủ đoạn của bọn phản động lợi dụng tôn giáo để chống phá chính quyền. Đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương tìm cách tháo gỡ. Đến nay, làng O Đất không còn ai theo “Tin lành Đê ga”.

Ngoài tuyên truyền, vận động người dân, ông Lek thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, làng O Đất chỉ còn 19 hộ nghèo. Bên cạnh đó, ông Lek còn tích cực tham gia hòa giải mâu thuẫn trong cộng đồng. Riêng trong năm 2022, ông phối hợp với hệ thống chính trị làng hòa giải thành 6 vụ tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình.

Được người dân tín nhiệm, năm 2005, ông Lek đảm trách cương vị Phó Trưởng thôn O Đất rồi giữ các chức vụ khác nhau trong UBND xã. Trong 2 năm 2019-2020, ông là Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã. Từ năm 2021 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Nông dân xã. Với sự đóng góp của mình, năm 2019, ông Lek được Giám đốc Công an tỉnh tặng giấy khen về phát huy vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; năm 2021, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” giai đoạn 2020-2021.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Đình Minh-Bí thư Đảng ủy xã Ia Băng-nhận xét: Trong quá trình công tác, ông Lek biết khai thác thông tin, nội dung công việc được giao để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân một cách hiệu quả. Đồng thời, chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các đối tượng ra tù để tham mưu, đề xuất cấp ủy, chính quyền địa phương giúp đỡ họ tái hòa nhập cộng đồng.

Có thể bạn quan tâm