Người dân không quan tâm anh có phải là giáo sư, tiến sĩ hay không mà điều quan tâm nhất là ở việc với học hàm, học vị đó, các anh, chị đã có sáng kiến, phát minh, chế tạo gì để ứng dụng trong đời sống chưa?
Hạ chuẩn không có nghĩa là đặc cách cho tiến sĩ. Tranh minh hoạ Đan |
Đó là bình luận của một bạn đọc gửi tới Lao Động sau khi đọc bài “Bộ GDĐT lên tiếng về tranh cãi quy chế đào tạo tiến sĩ mới hạ chuẩn”. Hạ chuẩn ở đây nổi bật nhất là không buộc phải có bài báo quốc tế, hoặc công trình khoa học công bố quốc tế, thay vào đó có thể là những bài báo được đăng tải, công bố trong nước.
Năm ngoái, tại hội thảo “Các giải pháp, chính sách nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, gắn với nhu cầu nghiên cứu khoa học và nhóm nghiên cứu”, PGS.TS Đỗ Minh Cương - Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đặt vấn đề: “Hiện nay, có xu hướng là chúng ta rất coi trọng các bài báo quốc tế và thưởng điểm rất cao. Phần lớn các bài đó đăng tạp chí nước ngoài và đa số người Việt Nam lại không đọc. Chúng ta mới chỉ cần bài báo đăng trên tạp chí khoa học thuộc danh mục ISI/Scopus thôi, chứ nội dung là gì, giá trị ra sao thì lại không đánh giá được”.
Tiến sĩ Cương đánh giá: “Các nhà khoa học bỏ công, bỏ sức ra nghiên cứu thì phải áp dụng, phục vụ cho sự phát triển khoa học của Việt Nam”.
Vậy thì vẫn phải trở lại câu chuyện nghiên cứu thật và giá trị nghiên cứu đó mang lại cho cuộc sống phải thật thì mới là tiến sĩ thật.
Rất dễ thống kê số lượng tiến sĩ ở Việt Nam hiện nay, cũng rất dễ thống kê các bài báo quốc tế của họ, nhưng rất khó để thống kê những nghiên cứu ấy đã được ứng dụng thực tế như thế nào, mang lại lợi ích gì cho nước, cho dân.
Việc “hạ chuẩn” lần này cũng phải tính đến một nguy cơ, đó là sự dễ dãi trong đào tạo tiến sĩ đã từng diễn ra với những “lò ấp tiến sĩ”, “công chức đua nhau học tiến sĩ”… với những đề tài "trời ơi đất hỡi" không biết để vào đâu và để làm gì.
Cái mất thì nhiều, là tiền bạc đầu tư, là uy tín của chính học vị tiến sĩ, còn cái lợi, hoá ra chỉ dành cho cá nhân khi học vị tiến sĩ chỉ để khoe trên mạng xã hội, trên cạc-vi-dít, làm đẹp hồ sơ khi tuyển dụng, đề bạt, bổ nhiệm. Nói một cách hình ảnh chỉ là thứ “phông bạt” không thực chất.
Thế nên câu hỏi “chuẩn tiến sĩ như thế nào” không quan trọng, “Họ sẽ làm được gì? Nghiên cứu ấy mang lợi ích thực tế ra sao? Có ứng dụng được không?” mới là những điều dân cần giải đáp.
Theo LINH ANH (LĐO)