(GLO)- Lạ thay, giữa rừng núi điệp trùng phía Đông Bắc Đak Đoa, giao thông cách trở, 99% dân số là đồng bào Bahnar mà có địa danh xã rất “Kinh”-Hà Đông. Lên cực Bắc giáp Kon Tum còn có xã Hà Tây (thuộc huyện Chư Pah, Gia Lai).
Trả lời thắc mắc của tôi, một cán bộ huyện Đak Đoa cho rằng, các địa danh này mới có sau khi hòa bình lập lại. Còn trong kháng chiến chống Pháp, thời huyện Plei Kon, rồi khu 8, khu Trung thì Hà Đông, Hà Tây nằm trong địa bàn xã Nam Đak Đoa và Bắc Đak Đoa. Còn cái tên Hà Đông, Hà Tây không hề dính dáng gì đến các địa danh ở miền Bắc nước ta, như người di dân thường đem tên đất, tên làng vào đặt cho nơi ở mới để còn chút liên hệ với quê cha đất tổ. Ở đây, có lẽ từ cái tên cũ của người dân tộc bản địa rồi biến âm mà thành, cộng thêm thành tố chỉ phương hướng (Đông-Tây) để thành tên làng, tên xã mới.
Một góc xã Hà Đông (huyện Đak Đoa). Ảnh: Đ.T |
Sở dĩ 2 địa danh này khá ấn tượng với tôi là bởi nó là địa bàn vùng sâu, vùng xa mà lại thuộc diện nghèo và khó khăn nhất tỉnh. Trước đây, khi chưa có đường bê tông như hiện nay, những nơi này trở thành “ốc đảo” trong mùa mưa Tây Nguyên kéo dài khiến mọi việc giao lưu, thông tin, kể cả cứu đói cho đồng bào cũng gặp trắc trở. Từ khi phong trào xây dựng nông thôn mới được triển khai, con đường từ trung tâm huyện lỵ Đak Đoa vào xã Đak Sơ Mei và từ Đak Sơ Mei đi Hà Đông khoảng hơn 30 km đã được bê tông hóa và điện lưới được kết nối thì mọi việc trở nên đơn giản, không còn là nỗi ám ảnh của mọi người; hàng hóa lưu thông, việc đi lại của người dân không còn bức xúc, thông tin liên lạc trở nên thông suốt. Tuy nhiên, để tiến tới xóa hộ nghèo ở Hà Đông thì còn phải phấn đấu lâu dài bởi tiềm năng, thế mạnh nơi đây không có gì nổi trội ngoài việc tận dụng đất rừng để trồng cây bời lời, keo lai và phát triển cây mì… Sản xuất nhìn chung vẫn còn nhỏ lẻ, tự cung tự cấp là chính. Điều phấn khởi mà ai cũng nhận thấy là sự nghiệp giáo dục ở địa phương đã phát triển khá tốt. Giáo dục bậc Tiểu học và THCS đều có cơ sở bán trú cho học sinh nên việc duy trì sĩ số hàng năm được đảm bảo. Đặc biệt, tại kỳ thi THPT Quốc gia 2019, Hà Đông có 6 học sinh lớp 12 được gửi học ở trường huyện, tất cả đều tốt nghiệp và tham gia xét tuyển vào các trường cao đẳng, đại học.
Điều ngạc nhiên là giữa núi rừng trùng điệp với một nhóm cư dân Bahnar sống ở 5 làng: Kon Sơ Nglok, Kon Mahar, Kon Pơdram, Kon Nat, Kon Jốt, cách xa các trung tâm đô thị Kon Tum, Pleiku nhưng lại là nơi mà đạo Công giáo được truyền đến sớm nhất ở Tây Nguyên. Chúng tôi đã đến nhà thờ gỗ ở Kon Mahar, điểm truyền giáo đầu tiên ở Hà Đông, thuộc Giáo phận Kon Tum, được hình thành và xây dựng từ năm 1930. Các cán bộ hoạt động trong kháng chiến chống Pháp kể lại rằng, trước kia, đây là vùng căn cứ của huyện Plei Kon, nơi đóng quân của cán bộ, bộ đội của ta nên công tác vận động quần chúng trong vùng đạo Công giáo được chú trọng. Thời ấy, chúng ta đã tranh thủ thuyết phục được các cha đạo có cảm tình với cách mạng ủng hộ kháng chiến, trong đó có cả cha đạo người Pháp ở nhà thờ Kon Mahar.
Trong 2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đồng bào vùng Công giáo ở Hà Đông cũng như đồng bào Bahnar ở Đak Đoa đã luôn ra sức ủng hộ cách mạng, anh dũng tham gia giết giặc cứu nước, đạt nhiều công trạng đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và khen thưởng.
BÙI QUANG VINH