Thời sự - Bình luận

Hài hòa lợi ích

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Kỳ họp thứ 7 Quốc hội (QH) khóa XV - khai mạc sáng nay, 20-5 - sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, trong đó có Luật BHXH (sửa đổi).

Mong muốn của người lao động (NLĐ) là Luật BHXH cần được sửa đổi cơ bản, toàn diện, đáp ứng yêu cầu thể chế hóa Nghị quyết 28/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật, giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn. Quan trọng hơn cả là bảo đảm hài hòa lợi ích của NLĐ và người sử dụng lao động, phù hợp tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nội dung được NLĐ quan tâm nhất là vấn đề hưởng BHXH một lần. Tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết số người rút BHXH một lần liên tục tăng, chỉ riêng tháng 4-2024 đã ghi nhận 121.873 trường hợp - tăng gần 39% so với trung bình cả quý I/2024.

Tại dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), Chính phủ đề xuất 2 phương án giải quyết hưởng BHXH một lần cho NLĐ. Phương án 1: NLĐ có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực thi hành, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm.

Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng chế độ BHXH.

Cả 2 phương án trên đều nhằm thực hiện Nghị quyết 28/2018 với mục tiêu bảo đảm tốt hơn quyền lợi lâu dài, an sinh xã hội bền vững cho NLĐ theo mức độ và cách thức khác nhau, hạn chế số người rút BHXH một lần. Mỗi phương án đều có ưu điểm, nhược điểm nhất định song phần đông NLĐ lựa chọn phương án 1.

Tán thành sự cần thiết phải sửa đổi quy định về BHXH một lần để mở rộng diện bao phủ BHXH, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, nhiều đại biểu QH nhận định đây là vấn đề lớn, hết sức nhạy cảm và phức tạp, cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới. Mục đích là để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng quyền lợi thực chất và nguyện vọng của NLĐ.

Theo các đại biểu QH, nếu không có quy định triệt để thì rất khó ngăn chặn tình trạng rút BHXH một lần. Song, đặt trong bối cảnh đời sống nhiều NLĐ còn gặp không ít khó khăn thì việc loại bỏ hoàn toàn quy định này là chưa thực sự phù hợp.

Do đó, nhiều ý kiến cho rằng cần trao quyền lựa chọn cho NLĐ, bằng cách tăng tính hấp dẫn, ưu đãi của các chế độ BHXH để giữ chân họ trong hệ thống BHXH, đồng thời quy định chặt chẽ các điều kiện hưởng để hạn chế tối đa rút BHXH một lần. Từ đó, có thể tiến tới lộ trình bỏ hoàn toàn chế định rút BHXH một lần. Việc này còn nhằm tăng cường tính ổn định, bền vững của chính sách; tránh gây tâm lý lo âu, đối phó của NLĐ, cũng là cách hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn lực lâu dài.

Có thể bạn quan tâm