Thời sự - Bình luận

Hài hòa trong lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nghị quyết số 18-NQ/TW Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, đặt ra yêu cầu đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư, trong đó người dân là trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau.

Điều này sẽ giúp giảm tình trạng khiếu nại, khiếu kiện, tranh chấp, tố cáo về đất đai; khắc phục tình trạng đất đai bị hoang hóa, sử dụng không đúng mục đích; đồng thời, sẽ góp phần đảm bảo tính xã hội chủ nghĩa trong quản lý và sử dụng đất. Qua đó, hiệu quả quản lý và sử dụng đất sẽ được nâng cao hơn. Để đạt được những mục tiêu như Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra, cần đảm bảo thực hiện một số điểm cơ bản sau đây.

Thứ nhất, quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể việc Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; trường hợp Nhà nước thu hồi đất mà phải tái định cư thì thực hiện tái định cư trước khi thu hồi đất. Đồng thời, phải đảm bảo được sinh kế cho người dân. Cụ thể là hỗ trợ người dân trong việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất.

Thứ hai, chính sách tài chính về đất đai phải bảo đảm hài hòa trong lợi ích giữa Nhà nước, người dân (người sử dụng đất) và nhà đầu tư; nghiên cứu có chính sách điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch. Những người sử dụng nhiều nhà, đất và đầu cơ đất đai sẽ phải chịu mức thuế cao hơn, còn những người trong tình trạng yếu thế hay có những trách nhiệm mang tính quốc gia, cộng đồng thì sẽ có những chính sách đảm bảo cho họ có cơ hội tiếp cận và sử dụng đất tốt hơn. Thêm vào đó, do thuế là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến mọi người dân, tổ chức và hộ gia đình, nên Nghị quyết đặt ra yêu cầu rà soát chính sách, pháp luật về thuế sử dụng đất; trên cơ sở đó, xây dựng, hoàn thiện chính sách về thuế sử dụng đất theo thông lệ quốc tế nhưng phải phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của Việt Nam (trình độ phát triển và điều kiện cụ thể) và theo một lộ trình thích hợp. Đây chính là sự hài hòa trong lợi ích giữa Nhà nước, người dân và nhà đầu tư và đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này cũng sẽ giúp giảm khiếu nại, khiếu kiện và đất đai cũng sẽ được quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả hơn.

Thứ ba, bên cạnh định hướng về sớm xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách để các cá nhân, tổ chức, hộ gia đình có thể tham gia vào dự án đầu tư thông qua việc chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, Nghị quyết còn đưa ra yêu cầu có quy định cụ thể việc khai thác hiệu quả quỹ đất vùng phụ cận các công trình kết cấu hạ tầng và chính sách ưu tiên cho người có đất ở bị thu hồi được giao đất hoặc mua nhà trên diện tích đất đã thu hồi mở rộng theo quy định của pháp luật; quy định về xây dựng cơ chế góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai đối với các dự án phát triển, chỉnh trang đô thị và khu dân cư nông thôn.

Những điểm kể trên cũng chính là những yêu cầu lớn trong chủ trương của Đảng đối với việc hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai, trong đó trọng tâm là sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ. Đây cũng chính là yêu cầu phải xử lý tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội trong quản lý và sử dụng đất.

 

PGS.TS NGUYỄN HỒNG SƠN - Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương

(Dẫn nguồn SGGPO)

 

Có thể bạn quan tâm