Hai mảnh đời xa lạ sống nương tựa nhau hơn 1/3 thế kỷ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hai con người đến từ hai vùng quê khác nhau nhưng hoàn cảnh khiến họ phải nương tựa vào nhau để tồn tại. Gần 40 năm nay, họ sống bên nhau với một thứ tình cảm trong trẻo như anh em, bè bạn… Đó là hoàn cảnh của bà Nguyễn Thị Diệu (73 tuổi) và ông Trần Văn Cầu (99 tuổi), tại xóm núi Đập Lồi, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định.

Số phận đắng cay

Nắng sớm của một ngày chớm thu đưa tôi đến xóm núi nghèo Đập Lồi. Qua những vườn chuối, những luống đậu và mãi cuối phía cuối con đường là một ngôi nhà nhỏ nằm im lìm dưới tán của hai cây me cổ thụ. Đón tôi là hai ông bà đều đã ở cái tuổi “gần đất xa trời” với khuôn mặt phúc hậu. Trong ngôi nhà nhỏ là hai cái giường in dấu ấn của thời gian, vài chiếc ghế nhựa đầy bụi trong góc nhà. Chắc lâu lắm rồi nhà ông bà cụ không có khách. Nhìn dáng đi của ông bà liêu xiêu trong gió có cảm giác họ như hai ngọn đèn dầu, cứ leo lét trước nỗi lo cơm áo.

 

Hai ông bà đã nương vào nhau sống gần nửa thế kỷ. Ảnh: UYÊN THU
Hai ông bà đã nương vào nhau sống gần nửa thế kỷ. Ảnh: Uyên Thu

Khách đến nhà đúng vào giờ trưa, tò mò hỏi sao hai ông bà vẫn chưa dùng bữa? Bà Hai “se lấp” (bà Diệu-P.V) cười mỏm mẻm: “Dạo này đang vào mùa mưa, cũng chẳng có ai  thuê mướn nên ngày chỉ ăn có một bữa thôi. Đợi chút nữa rồi ăn, chứ ăn sớm quá tối ruột gan nó réo lại khó ngủ”. Cái chất giọng chân chất kể chuyện của bà Hai cứ như đưa chúng tôi về một câu chuyện của một thuở xa lắc.

Bà Diệu sinh ra ở cửa Thuận An-Huế. Cuộc sống chật vật, 10 tuổi bà đã phải đi ở cho người ta. Khi cô bé đến tuổi dậy thì, ông bà chủ đã nhăm nhe gả cô cho đứa cháu bị dở người của họ. Cực chẳng đã, cô bé bỏ trốn đi trong một đêm mù mịt. Mười lăm tuổi, cô bé tên Diệu may mắn xin được làm phụ hồ đi theo những đội làm công trình xây dựng.

Năm 17 tuổi, bà đi lấy chồng, là một lính Ngụy. Tám năm sau, chồng bà chết để lại cho bà hai đứa con, một trai, một gái. Rồi chiến tranh loạn lạc, thân gái dặm trường chẳng thể vừa mưu sinh vừa lo an toàn tính mạng cho con, bà buộc phải gửi hai đứa con cho người bác ruột. Bẵng đi nhiều năm lưu lạc, bà trở lại tìm con, đứa con gái của bà nay đã lập gia đình, nhìn dáng vẻ khắc khổ của bà cô đã lạnh nhạt quay đi nói “má về, sao không nói cho con lên trên đó đón để mua bộ quần áo khác cho má. Má mặc thế này đến rồi nhà chồng con họ khinh…”.

Chẳng có nỗi đau nào hơn nỗi đau bị đứa con dứt ruột đẻ ra của mình chối bỏ. Bà nén cho những giọt nước mắt chảy vào trong rồi quay mặt đi tự nhủ với lòng “Có lẽ cứ để gia đình chồng nó nghĩ rằng nó là đứa trẻ mồ côi có khi người ta còn quý hơn là có người mẹ nghèo khó như mình”. Rồi bà bỏ đi từ đó…

Thời trai trẻ, ông cũng là một người khôi ngô, khỏe mạnh. Ông đã từng hứa hôn với một thôn nữ trong xóm. Rồi một tai nạn bất ngờ đã làm tay chân của ông bị tật. Tối đó, ông sang nhà vị hôn thê thì nghe người mẹ nói với con gái rằng “Giờ nó có tật như thế, lấy về nuôi báo cô hay sao”. Quá bẽ bàng, về nhà ông lấy dao chặt đứt một ngón tay và thề rằng “sẽ không bao giờ lấy vợ nữa”. Rồi ông cũng bỏ làng đi biệt tích.

Hai mảnh đời nương nhau để sống

Quyết tâm không để con cái phải xấu hổ vì mình, bà Hai tự nhủ sẽ không trở về quê lần nào nữa. Rồi những năm sau hòa bình, bà theo chủ thầu đi làm công trình thủy điện Đập Lồi. Cũng tại đây bà gặp ông Cầu. Mấy năm gắn bó với công trình, gắn bó với mảnh đất nghèo tiền gạo nhưng thấm đẫm tình người này nên những con người cùng khổ cũng cảm thông và quý mến nhau.

Những ngày nghỉ, công nhân ở gần về hết, chỉ còn có bà với ông Cầu ở lại lúi húi nấu cơm dưới chân núi. Một người chủ đất thấy hai ông bà không có nơi đi về liền nói “đất đấy, hai người dựng tạm cái chòi mà ở cho qua ngày. Hai mảnh đời bất hạnh lúc này đã có một mái ấm che mưa che nắng, một chỗ để đi về… Họ cứ nương vào nhau mà sống như anh em ruột thịt.

Một buổi sáng cách đây 3 năm, có người trên Ủy ban xã xuống bảo bà lên xã nhận 40 triệu đồng tiền ủng hộ của một doanh nghiệp nào đó. Số tiền đó họ cho để xây nhà nhưng bà không dám nhận. Bà nói: “Mình già rồi, nay sống mai chết đó, biết đâu được. Bây giờ có xây nhà thì chết cái nhà này chủ đất nó cũng dành cho bò ở. Thế thì thà mình dành phần đó lại cho gia đình nào đó cần thiết hơn mình”.

Hai ông bà có ba sào ruộng, nhưng gần chục năm nay ông Cầu già yếu không làm việc nặng được nên đem cho người ta cấy mướn mỗi năm lấy được 150 kg thóc. Còn bà Hai đi nhặt cỏ cho luống đậu, khi thì đi cắt lúa thuê. Những ngày không có ai thuê mướn bà lại đi khắp làng ai bán gì mua nấy. Có khi vài quả đu đủ xanh, mấy nải chuối, bó rau… đem ra chợ kiếm vài ngàn tiền lãi coi như đủ muối mắm. Còn ông, bà nói đầy âu yếm: “Ngày xưa ông ấy khỏe lắm đấy. Người ta đi làm công có 4-5 hào, thế mà ông ấy làm đến 7 hào. Nhưng giờ già rồi, ông ấy không đi làm được nữa. Chỉ có ở nhà trông mấy con gà cho nó khỏi chạy ra phá lúa của người ta thôi”.

Bà lại kể: “Mấy năm trước, xã bảo lên nhận hỗ trợ tiền điện 90.000 đồng nhưng tôi không dám nhận. Tôi không có điện, nhận về tiêu hết đến lúc không có trả Nhà nước lại bắt tôi đi tù”. Rồi cũng có một cô gái, biết hoàn cảnh của ông bà đã đến bắc cho đường điện, mua cho cái quạt và một cái ti vi. Nhưng cái ti vi đó để cho nhện giăng bởi ông bà không dám mở vì sợ tốn điện.

Nói rồi, bà Hai lấy ít gạo ra rắc cho đàn gà mới nở. Giọng bà chậm rãi: “Có ít gạo phải để dành cho gà cô ạ. Con gà mái này sai trứng lắm, mỗi lứa cũng đẻ hơn 20 quả đó. Nhưng mình không dám ăn, để nó ấp thành con nuôi lớn bán đi lấy tiền mà mua mắm muối, gạo. Ăn dần nó hư miệng, lại cứ muốn ăn mãi.”.

Tôi xin phép ông bà cụ về khi trời đã xế chiều. Bà Hai nắm tay tôi lại nói: “Con ăn với ông bà tô mì nhé. Bà sẽ rửa sạch tô pha cho con. Con không sợ bẩn đâu”. Nghe giọng nói và nhìn vào gương mặt của bà Hai thấy sao mà thân thương, phúc hậu. Giờ thì tôi tin lời người dẫn đường “Đến đó một lần chị sẽ thấy day dứt mãi mãi”.

Uyên Thu

Có thể bạn quan tâm