Hẩm hiu đời xe ôm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Với “chú ngựa sắt” cũ kỹ, bụi bặm, giữa cái nóng đến kinh người hay trong màn đêm sương giá, họ vẫn đang từng ngày “muối mặt” 24/24 giờ trên những cung đường, góc phố của thành phố Pleiku (Gia Lai)…
Dưới ánh sáng chập choạng của bóng đèn nơi Bến xe Đức Long, bác tài xe ôm tên Hoàng chong mắt ngóng về cửa ra, đợi  khách. Nhưng chỉ lác đác vài hành khách xuống, rồi lại lên taxi hoặc có người đến đón. Ông Hoàng tâm sự: “Dạo này ít khách lắm, cả ngày hôm nay mới chỉ được một cuốc. Nhưng vẫn phải trực chiến thôi, chứ không thì đói”.
Bác tài tên Buôn đã cắm chốt ở Ngã tư Biển Hồ gần 20 năm. Ảnh: Lê Văn Ngọc
Kim đồng hồ điểm 2 giờ đêm, lại một đợt khách xuống. Lần này may mắn hơn, ông Hoàng đón được người khách, đi về chợ Thống Nhất (TP. Pleiku). Còn lại tôi và anh tài trẻ tên Duy. Duy 29 tuổi nhưng đã có 10 năm với nghề. Học xong phổ thông, nhà không có điều kiện để học tiếp và còn phải nuôi các em, nên anh gia nhập với cánh xe ôm ở Bến xe Đức Long. Anh nói: “Đứng bến phải chạy theo phiên, tổ có hơn chục người nên còn lâu mới đến lượt mình. Xưa, mỗi ngày cũng kiếm được hơn trăm ngàn đồng, chứ dạo này may lắm mới được vài chục ngàn đồng, giờ người ta ưa đi taxi hơn, anh thở dài rồi tranh thủ chợp mắt trên chiếc võng mắc dã chiến trước bến xe để chờ đợt khách mới.
Chiếc xe Diên Hồng tuyến Huế- Gia Lai vừa trờ tới vòng xuyến ở ngã tư Biển Hồ, ngay lập tức hai bác tài xe ôm lao tới chào đón nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Bác tài tên Buôn (52 tuổi) cho biết : “Cái ngã tư này tui coi là nhà rồi, trực ở đây 24/24, may lắm mới có khách nhưng vẫn cứ phải đứng đợi thôi, được thêm cuốc nào hay cuốc nấy”. Đời xe ôm là thế, lấy lề phố làm nhà, “chiến mã” làm giường. Nhìn những bác tài xe ôm yên giấc trên chiếc xe cũ nát cứ như làm xiếc.
Sau khi giải ngũ vì không đủ sức khỏe, bác tài xe ôm Hưng về “cắm chốt” ở ngã ba chợ Yên Thế đã hơn 30 năm. Với chất giọng khàn khàn vì khói thuốc, bác tâm sự: Làm cái nghề này phải chấp nhận, chuyện xe ôm bị đe dọa, cướp, quỵt tiền là chuyện rất bình thường. Phải có cái gan để “sinh nghề, tử nghiệp”. Ở cái tuổi ngũ tuần, với con mắt tinh đời nên bác luôn cảnh giác với những đối tượng khả nghi. Chỉ một đồng nghiệp bên cạnh, bác nói: “Cậu đó từng bị phang hai gậy vào đầu vì gặp cướp, may mà nhanh chân phóng xe chạy kịp chứ không có khi giờ đã “xanh cỏ” rồi”.
Không ai muốn khổ, nhưng vì miếng cơm manh áo mà họ vẫn đang phải nai lưng ra đứng đường. Đa số trong họ là người thất nghiệp, gia cảnh khó khăn nên đành phải gắn mình với nghề xe ôm. “Xăng tăng giá, mọi thứ đều lên, một ngày được hai, ba cuốc xe thì làm sao mà sống nổi, đến bao giờ mới thoát kiếp xe ôm đây”-một bác tài ở Bến xe Đức Long than thở...
Lê Văn Ngọc

Có thể bạn quan tâm