Thời sự - Bình luận

"Hâm nóng" trách nhiệm để kiềm chế tai nạn giao thông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Quý I-2021, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn tỉnh Gia Lai diễn biến phức tạp. Toàn tỉnh đã xảy ra 84 vụ TNGT, làm 64 người chết, 58 người bị thương. Tuy giảm 4 vụ và 20 người bị thương nhưng số người chết do TNGT trên địa bàn tỉnh lại tăng cao (tăng 8 người, tương đương hơn 14%) so với cùng kỳ năm 2020.
Việc TNGT tăng hay giảm trong một khoảng thời gian nhất định không phải là điều bất thường. Nhưng đặt trong bối cảnh năm 2021, năm đầu tiên Việt Nam thực hiện “Thập kỷ hành động vì an toàn giao thông đường bộ” (2021-2030) và mục tiêu kéo giảm 5-10% số vụ, số người chết, số người bị thương thì diễn biến TNGT trong quý I rõ ràng là điều rất đáng lo ngại.
Theo phân tích của ngành chức năng, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến TNGT là do ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn thấp. Trong số 84 vụ TNGT xảy ra vừa qua có 14 vụ do lỗi lấn đường, 14 vụ do thiếu chú ý quan sát, 10 vụ vi phạm tốc độ, 8 vụ tránh vượt sai quy định… Bên cạnh đó, có đến hơn 54% số vụ TNGT xảy ra trên các tuyến quốc lộ. Ngoài ra, TNGT liên quan đến người dân tộc thiểu số tăng 3 vụ, 4 người chết so với quý I-2020.
Nguyên nhân và thực trạng TNGT mà ngành chức năng chỉ ra không có gì mới và vẫn nhấn mạnh đến yếu tố chủ quan của người tham gia giao thông. Điều này, theo cá nhân người viết là đúng nhưng chưa đầy đủ. Tai nạn giao thông khó có thể xảy ra nếu người điều khiển phương tiện tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật.
Nhưng để người điều khiển phương tiện có hành vi vi phạm dẫn đến TNGT thì ngoài lỗi chủ quan, rõ ràng không thể không có phần trách nhiệm của các ngành, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ trong tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Trách nhiệm này cũng đã nhiều lần được chỉ ra song dường như việc khắc phục còn chậm và chưa hiệu quả.
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại ngã ba Lê Lợi-Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa
Một vụ tai nạn giao thông xảy ra tại ngã ba Lê Lợi-Nguyễn Tất Thành (TP. Pleiku). Ảnh: Lê Hòa
Tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ quý I và triển khai giải pháp thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội quý II-2021 do UBND tỉnh tổ chức mới đây, một trong những tồn tại, hạn chế được Chủ tịch UBND tỉnh Võ Ngọc Thành chỉ ra là việc số người chết do TNGT tăng cao. Để khắc phục tồn tại này, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Công an phải triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế, kéo giảm TNGT, nhất là TNGT liên quan đến thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số.
Nhiệm vụ thì đã rõ, nhưng đâu là giải pháp để kiềm chế, kéo giảm TNGT? Đây là câu hỏi mà cả hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc trả lời. Bởi lẽ, sẽ không có giải pháp đơn lẻ nào đủ sức kiềm chế, kéo giảm được TNGT mà cần phải có những giải pháp mang tính tổng thể.
Trong đó, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được coi là giải pháp đi đầu, có ý nghĩa then chốt để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Ngoài ra, công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe cũng cần được quan tâm triển khai sâu rộng hơn nữa, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đồng thời, công tác đảm bảo kết cấu hạ tầng giao thông cũng phải được chú trọng bởi không ít vụ TNGT xảy ra có nguyên nhân từ việc hạ tầng giao thông không đảm bảo.
Và cuối cùng, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông cần được lực lượng Cảnh sát Giao thông-Trật tự, Thanh tra Giao thông triển khai quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa, nhất là đối với những hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: sử dụng rượu bia, chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định… Công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm cũng không nên chỉ tập trung vào những đợt cao điểm mà cần tiến hành thường xuyên, liên tục, rộng khắp, đảm bảo phát hiện và xử lý tối đa các trường hợp vi phạm nhằm tạo sức răn đe, ngăn chặn nguy cơ TNGT.
Ngày 6-4 vừa qua, phát biểu tại lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông” trên mạng xã hội VCNet năm 2021 do Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng cho rằng “cần hâm nóng lại Nghị định 100 để làm giảm số người chết do TNGT”.
Đây là một ý kiến rất xác đáng bởi cách đây hơn 1 năm, Nghị định số 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt có hiệu lực với những chế tài rất nghiêm khắc đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhất là góp phần kiềm chế, kéo giảm TNGT. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, lực lượng chức năng thiếu quyết liệt, hiện tượng “nhờn luật” đã xảy ra. Hậu quả là TNGT vẫn diễn biến phức tạp và tăng về số người chết như trong quý I-2021.
Do đó, theo người viết, bên cạnh việc “hâm nóng” Nghị định 100 thì rất cần “hâm nóng” trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
LÊ HÀ

Có thể bạn quan tâm