Bộ Địa chính và giao thông cùng Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc đã hợp tác với các doanh nghiệp sản xuất ô tô, ngành hàng không và dịch vụ, bắt đầu phát triển "máy bay cá nhân tương lai" như taxi máy bay không người lái mini.
Thiết bị bay không người lái trong buổi thử nghiệm hoạt động chuyển phát các mặt hàng y tế từ thành phố Dangjin, Hàn Quốc tới hai đảo ở ngoài khơi bờ biển phía Tây nước này ngày 31/7/2019. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo phóng viên TTXVN tại Hàn Quốc, ngày 4/9, Bộ Địa chính và giao thông Hàn Quốc đã tổ chức lễ khởi động cơ chế hợp tác chiến lược phát triển chung giữa tư nhân và cơ quan nhà nước. Tham gia cơ chế hợp tác, ngoài Bộ Địa chính và giao thông cùng với Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên, còn có giới doanh nghiệp và giới nghiên cứu trong các lĩnh vực đa dạng như ô tô, hàng không, pin, điện và điện tử, dịch vụ giao thông, xây dựng hạ tầng và các ngành công nghiệp phụ trợ.
Taxi máy bay không người lái mini là một phương tiện di chuyển trong tương lai, dùng để vận chuyển hàng hóa và người ở trên không trong các khu trung tâm đô thị, chạy bằng năng lượng điện và pin. Đây là một ngành công nghiệp mới tích hợp nhiều công nghệ khác nhau như hàng không, ô tô, công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), trí tuệ nhân tạo (AI), đang được trên 150 doanh nghiệp trên thế giới xúc tiến phát triển như Boeing, Airbus, Audi và Toyota.
Thông qua cơ chế hợp tác, Bộ Địa chính và giao thông, Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên Hàn Quốc hiện đang xem xét thúc đẩy các dịch vụ giao thông bằng máy bay không người lái mini như taxi máy bay không người lái mini, dịch vụ vận chuyển hàng hóa; đảm bảo không phận chuyên dùng cho máy bay không người lái mini, bồi dưỡng các ngành công nghiệp phụ trợ như bảo hiểm, hạ tầng; thiết lập hệ thống chứng nhận; đảm bảo công nghệ kiểm soát. Đồng thời, các phương án thúc đẩy ngành công nghiệp dịch vụ phái sinh như phát triển công nghệ cốt lõi, hỗ trợ phát triển quốc tế chung, thành lập hệ sinh thái ngành công nghiệp, bồi dưỡng nhân lực chuyên môn, hỗ trợ nâng cao chất lượng và tính năng cũng sẽ được xem xét.
Bên cạnh đó, hai bộ trên đã ký thỏa thuận nhằm xúc tiến chung "dự án phát triển máy bay cá nhân tự hành". Trong đó, Bộ Địa chính và giao thông xúc tiến các phương án như công nghệ chứng nhận để đảm bảo an toàn vận hành cho thiết bị, hệ thống điều khiển bay tự động, cung cấp dịch vụ giao thông và hệ thống vận hành an toàn. Bộ Công nghiệp, thương mại và tài nguyên có kế hoạch phát triển công nghệ trọng tâm, phát triển và thử nghiệm thiết bị hạ tầng trên mặt đất, phát triển thiết bị thử nghiệm có tốc độ bay trên 200 km/h.
Trần Phương (TTXVN)