Khách quan mà nói, việc nhiều tuyến cao tốc đưa vào sử dụng đã "chia lửa" với hàng không, đặc biệt dịp lễ, tết. Thế nhưng một lý do quan trọng khiến du lịch đường bộ lên ngôi thời gian gần đây là do tình trạng giá vé cao và delay "kinh niên" của các hãng bay khiến khách hàng sợ hãi.
Mới nhất, chiều 31.8, ngày đầu tiên của kỳ nghỉ lễ Quốc khánh, tại sân bay Tân Sơn Nhất, hàng loạt khách hàng vạ vật vì bị delay. Nhưng không phải chỉ dịp lễ này, tình trạng khách chọn bay sáng chiều mới khởi hành, chọn bay chiều tối vẫn vạ vật ở sân bay, còn bay đêm thì sáng mới cất cánh... đã trở nên thường xuyên từ khá lâu rồi. Vì vậy, với nhiều người, bất đắc dĩ phải di chuyển bằng đường hàng không trong giai đoạn hiện nay, mà kỳ nghỉ lễ 2.9 là minh chứng rõ ràng nhất khi đường bộ tắc nghẽn còn sân bay thì vắng vẻ bất thường.
Một số ý kiến cho rằng, khách đường bộ chủ yếu là về quê hay chỉ đi tuyến gần chứ không phải khách du lịch nội địa chuyển sang đường bộ. Thực tế, đang có sự dịch chuyển rất lớn và có nhiều hình thức dịch chuyển khác nhau để "né" hàng không, cả trực tiếp lẫn gián tiếp. Đơn cử nếu trước đây tuyến TP.HCM - Nha Trang, TP.HCM - Đà Nẵng đường bay lên ngôi thì giờ đây đường bộ, đường sắt là trải nghiệm được nhiều người ưa thích, lựa chọn. Với những tuyến chỉ có thể di chuyển bằng máy bay, không ít người thà tới các điểm có thể lái ô tô; hoặc thay vì đi du lịch thì ở lại thành phố hay về quê thăm gia đình. Dù là lựa chọn nào thì đều có chung mục đích là né "bay". Chưa kể sắp tới các tuyến đường thủy, xa hơn nữa là đường sắt cao tốc... biến giấc mơ ăn sáng ở Hà Nội, ăn trưa ở TP.HCM thành hiện thực thì hàng không cạnh tranh thế nào nếu dịch vụ cứ như hiện tại ?
Tất nhiên, với vận tốc di chuyển gần cả ngàn km/giờ, máy bay chính là phương tiện nhanh nhất. Nó có thể giúp chúng ta tiết kiệm thời gian, đến những nơi mà đường bộ, đường tàu lửa, đường thủy chưa, thậm chí không thể tới được. Đó là thế độc quyền tự nhiên của hàng không. Nhưng như nói trên, tại thị trường nội địa, thế độc quyền này đang bị lung lay bởi cả yếu tố khách quan và chủ quan. Còn trên những cung đường không thể thay thế bằng các phương tiện khác thì các hãng hàng không nội địa cũng phải cạnh tranh với các hãng hàng không nước ngoài, không ai có thể một mình một chợ mãi cả.
Trở lại với thực trạng hàng không nội địa, giá vé đắt bởi các lý do khách quan, hành khách có thể chia sẻ. Trễ chuyến do các lý do khách quan, bất khả kháng, tất nhiên phải cảm thông, chấp nhận. Nhưng trễ chuyến liên tục, thời gian trễ quá lâu, trễ không báo trước hoặc báo chiến thuật (báo thành nhiều lần để không vượt quá thời gian quy định); không đền bù thiệt hại cho khách hàng... thì hãng bay đã tự đánh mất dần lợi thế của mình trên thị trường.
Cao tốc Bắc - Nam nối đất nước một dải đang thành hình, hàng loạt tuyến đường đang gấp rút về đích, lợi thế đường thủy được nhiều địa phương đẩy mạnh khai thác, đường sắt tốc độ cao đang hoàn thiện đề án… Không thể phủ nhận tính ưu việt của hàng không, nhưng rõ ràng người dân ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn cho hành trình của mình. Nếu không nhanh chóng cải thiện dịch vụ, thì nghịch lý hàng không vắng vẻ, đường bộ - đường sắt lên ngôi sẽ không còn là cá biệt như hiện nay.
Theo Nguyên Minh (TNO)