Phóng sự - Ký sự

Hàng rong bủa vây cổng trường - kỳ 2: Dẹp hàng rong, khó trăm bề

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Gần đây, lực lượng chức năng thường xuyên ra quân dẹp hàng rong, nhất là hàng rong trước cổng trường học. Nhưng xem ra, tình hình không có nhiều cải thiện.

Vào hẻm… tránh bão

Không đứng ngay cổng trường học vì sợ kiểm tra, “đuổi, đẩy”, nhiều hàng rong chọn các con hẻm cạnh đó để kinh doanh. Trước trường THCS Bình Trị Đông (đường Hương Lộ 2, quận Bình Tân) thường xuyên có lực lượng quản lý trật tự đô thị kiểm tra, đội quân hàng rong dời vào các con hẻm cạnh đó như Đình Tân Khai, Liên khu 1-6… và tiếp tục kinh doanh. “Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra ở các đường lớn, khi mình lấn chiếm vỉa hè hoặc gây ùn tắc giao thông thôi, còn vào hẻm này thì an toàn. Khi nào họ đi qua thì mình lại ra” - bà Thương, kinh doanh gà rán nói.

Băng-rôn tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm được dán ở nhiều cổng trường. Ảnh: Nhàn Lê.

Băng-rôn tuyên truyền đảm bảo an toàn thực phẩm được dán ở nhiều cổng trường. Ảnh: Nhàn Lê.

Trường tiểu học Trương Công Định nằm sâu trong con hẻm nhỏ đường Tân Hòa Đông (quận 6) là địa điểm kinh doanh lý tưởng của hàng rong. Ngay từ đầu hẻm, hàng rong đứng rải rác hai bên kéo dài cả trăm mét vào tận cổng trường. Chưa hết, nhiều nhà xung quanh trường còn mở tiệm tạp hóa, bán đủ các loại đồ dùng học tập đến đồ chơi, quà vặt… cho học sinh. Mỗi khi biết có kiểm tra, những tiệm này nhanh chóng sập cửa, tạm ngừng kinh doanh.

Hay nhiều hàng rong còn lợi dụng sự khác địa bàn trên cùng một tuyến đường để không bị xử lý. Họ cũng chọn phương án đứng cách cổng trường vài chục mét để buôn bán hàng rong cho học sinh. “Kiểu nào cũng “tránh bão” được, trường hợp bị bắt lại là do… xui thôi. Chúng tôi còn liên kết với nhau thông tin từ xa, chỉ cần nghe “có động” là nhanh chóng dọn hàng, đẩy xe chạy loanh quanh trên đường, chờ khi đoàn kiểm tra đi qua thì mình quay trở lại. Nói chung cứ buôn bán riết thì quen” - anh Tý (quê Kiên Giang) có thâm niên bán hàng rong ở các cổng trường TPHCM khoe mánh khóe qua mặt cơ quan chức năng.

Khó trăm bề

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hiệp Bình Chánh, thành phố Thủ Đức thừa nhận, thời gian qua, trên địa bàn có tình trạng buôn bán đồ ăn, thức uống tại cổng các trường học, gây ảnh hưởng đến giao thông và có nguy cơ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm đối với học sinh.

Phường đã giao bộ phận trật tự đô thị phối hợp cán bộ kinh tế đi kiểm tra xử lý, xử phạt các trường hợp vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường kinh doanh hoặc kinh doanh hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc. Công an phường cũng thường xuyên kiểm tra, xử lý, đảm bảo an ninh trật tự tại các cổng trường. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phối hợp với nhà trường tổ chức nhiều đợt tuyên truyền cho học sinh, trong đó lồng ghép nội dung “không mua bán, sử dụng hàng hóa, thực phẩm không rõ nguồn gốc tại cổng trường”.

Theo ông Tuấn, do lực lượng của phường cùng lúc phải đảm bảo trật tự đô thị tại nhiều nơi nên một số trường hợp tiếp tục tái phạm khi tổ công tác rời đi. Để xử lý tình trạng này, phường đã chỉ đạo các lực lượng tăng cường kiểm tra xử lý, đồng thời lập chốt xử lý tại các cổng trường vào giờ phụ huynh đưa, đón học sinh.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Hồng Xuân, Đội trưởng Đội quản lý trật tự đô thị quận Bình Tân cho biết, rất đau đầu trước việc hàng rong ở cổng trường tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm. Ông Xuân nói rằng, quận Bình Tân là địa bàn rộng lớn, đông dân. Chỉ tính riêng khu vực kinh doanh tự phát thường xuyên đã có 35 điểm với hơn 4.000 người có hành vi lấn chiếm vỉa hè, lòng đường. Trong khi đó lực lượng của đội rất mỏng, chỉ 79 người. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng đội cũng đã xóa được 9 điểm kinh doanh tự phát.

Cũng theo ông Xuân, từ trước đến nay, liên quan vấn đề hàng rong trước cổng trường được giao cho UBND phường phối hợp với phòng giáo dục, hiệu trưởng các trường học quản lý. Đồng thời UBND các phường chỉ đạo công an trật tự, bảo vệ dân phố cùng với bảo vệ nhà trường xử lý. Tuy nhiên trong các giờ cao điểm như giờ vào lớp, giờ tan học, các kỳ tuyển sinh… thì lực lượng đô thị chủ công. Hằng này, cảnh sát trật tự, bảo vệ dân phố và bảo vệ nhà trường xử lý ổn thì thôi, nếu không thì thông tin cho đội và cả cảnh sát giao thông để hỗ trợ.

Về giải pháp căn cơ, quận Bình Tân đã tổ chức 3 tổ công tác đến các phường của quận Bình Tân để đăng ký các tuyến đường, phấn đấu lấy lại lề đường, lòng đường. Đảm bảo tối thiểu lòng đường không bị chiếm dụng. Thành lập các đội tuần tra trật tự lưu động sẽ ghi lại hình ảnh, thông tin để xử lý vi phạm. Tuy nhiên, chủ yếu tuyên truyền nhắc nhở là chính, nếu vi phạm nhiều lần sẽ xử phạt theo hướng tăng nặng; xe lôi, xe kéo phải thu giữ tuyệt đối. “Phải đảm bảo không để xảy ra tình trạng mua bán, chiếm dụng trước cổng trường”- ông Xuân khẳng định.

Theo ông Đinh Phú Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Luông (quận 6), học sinh, nhất là ở bậc tiểu học, THCS rất thích những món ăn vặt giá rẻ bán trước cổng trường. Nhờ bắt mắt, hương vị lạ miệng và giá lại rẻ nên rất nhiều học sinh tìm mua. “Mỗi đầu giờ vào lớp và cuối giờ học, đội ngũ quản lý của trường đều kiểm tra, nếu thấy các em mua những thực phẩm như bóng thổi , nước trái cây “lạ”...đều cảnh báo, phát loa nhắc nhở. Quan trọng nhất là giáo dục cho học sinh nhận thức được tác hại của những món hàng này, từ đó các em không mua thì hàng rong tự khắc sẽ không bán nữa” - ông Cường nói.

Vị hiệu trưởng này cũng thông tin, việc quản lý hàng rong ở cổng trường thuộc trách nhiệm của chính quyền địa phương. Nhà trường không có chức năng quản lý việc này. Tuy vậy, khi thấy chỗ nào bán món hàng không rõ nguồn gốc thì nhà trường liên hệ với chính quyền nhờ can thiệp. Tuy nhiên, ngay sau khi lực lượng chức năng rút đi, tình trạng hàng rong lại tái diễn.

Bà Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (quận 1, TPHCM) thừa nhận nhà trường cũng gặp khó với hàng rong. Đơn vị liên tục tuyên truyền, nhắc nhở học sinh về vấn đề an toàn thực phẩm nhưng vẫn còn số một ít học sinh mua hàng rong trước cổng trường để sử dụng. “Nhà trường không có quyền yêu cầu người bán hàng rong ngưng bán. Do đó, mỗi lần hàng rong bày bán trước cổng trường thì chúng tôi phải nhờ phía công an khu vực hỗ trợ. Nhưng không phải lúc nào công an cũng bố trí đủ thời gian, lực lượng để giải quyết việc này” - bà Trang nói.

Bà Bùi Thị Hồng Vân, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông Sở An toàn thực phẩm TPHCM cho hay hình thức chế tài đối với hành vi vi phạm ATTP đã có tiến bộ. Trước đây chỉ dừng ở việc cảnh cáo nhưng hiện nay đã áp dụng phạt tiền theo quy định của pháp luật, thậm chí xử lý hình sự nếu hành vi đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe con người. “Không có việc đùn đẩy trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát, xử lý liên quan đến vấn đề ATTP. Việc quản lý đã phân cấp rất rõ từ trung ương đến địa phương, ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể… đã chủ động nâng cao nhận thức của các hội viên, đoàn viên, cũng như tham gia vào công tác giám sát tuân thủ về ATTP của các cá nhân, tổ chức tại địa phương” - bà Vân khẳng định.

(Còn tiếp)

Có thể bạn quan tâm