Thời sự - Bình luận

"Hãy cứu lấy blouse trắng"- không còn là lời cảnh tỉnh

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cách đây vài tháng, lời khẩn cầu “Hãy cứu lấy blouse trắng” của các y bác sĩ Bệnh viện Tuệ Tĩnh khi xuống đường đòi quyền lợi vì bị nợ lương như là sự cảnh tỉnh, và sự cảnh tỉnh đó đang dần hiện thực. 
 

 Trong hơn 2 năm qua, nhiều nhân viên y tế đã căng mình chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh: LPL
Trong hơn 2 năm qua, nhiều nhân viên y tế đã căng mình chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Ảnh: LPL


Cảnh tỉnh là vì quyền lợi không được bảo đảm, vì chế độ không được chi trả kịp thời, hay vì nợ lương nên các “thiên thần” khoác trên mình chiếc áo blouse trắng đã phải xuống đường, căng băng rôn kêu cứu đầy xót xa: "Chúng tôi không muốn đi ăn xin từng tháng".

Và từ đó đến nay, chỉ vài tháng thôi mà "làn sóng" các cán bộ y tế nghỉ việc đã lan ra nhiều địa phương, trong đó có những địa bàn trọng điểm.  

Mới hôm qua thôi, trước thực trạng trên, Bộ Y tế đã phải có công văn yêu cầu các đơn vị, sở y tế các tỉnh, thành báo cáo tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc.

Hãy lưu ý đến các con số thống kê sơ bộ này: Trong gần 2 năm, có gần 900 nhân viên y tế, bác sĩ ở Hà Nội xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác; riêng từ đầu năm đến hết tháng 4.2022, có đến 226 nhân viên y tế ở Hà Nội xin nghỉ việc và 17 người khác xin chuyển công tác.

Tại TPHCM cao hơn khi chỉ tính riêng năm 2021, có hơn 1.000 nhân viên y tế nghỉ việc và tính riêng quý 1.2022, đã có gần 400 người nghỉ việc; tại Đồng Nai, chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, đã có 230 nhân viên y tế tại các cơ sở y tế công lập nghỉ việc.

Tại các tỉnh khác cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự, như tại Gia Lai, trong năm 2021 có 110 nhân viên y tế nghỉ việc. Trong 6 tháng đầu năm 2022, tiếp tục có 23 trường hợp nghỉ việc; chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022...

Điều đáng lo ngại là những con số kia chưa dừng lại.

Có nhiều nguyên nhân được lý giải cho "làn sóng" trên, nhưng có một điều chắc chắn rằng, kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các nhân viên y tế công lập phải làm việc kiêm nhiệm, thực hiện nhiều nhiệm vụ, phải làm thêm ngoài giờ, không kể ngày đêm, chịu nhiều áp lực. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ và mức thu nhập còn hạn chế.

Một nguyên nhân nữa là, cơ chế vận hành của bệnh viện công hiện còn nặng nề và tư duy trì trệ nên nhiều bác sĩ, nhân viên y tế không phát huy được năng lực, sở trường.

Vì vậy, những "thiên thần áo trắng" dứt áo ra đi là một lẽ đương nhiên và là minh chứng rõ ràng cho việc "chảy máu chất xám" từ bệnh viện công lập về các cơ sở y tế ngoài công lập, tư nhân; tạo nên những “khoảng trống”, “đứt gãy” quá trình vận hành tại các cơ sở y tế công lập.

Điều đáng buồn là, nhân viên y tế bỏ việc là gánh nặng không chỉ về nhân lực của ngành y tế công, mà còn ảnh hưởng đến các hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân.

Để rồi, người dân là đối tượng chịu thiệt thòi trực tiếp.

Và còn thiệt thòi hơn, khi báo cáo mới nhất cho thấy, có 28/34 Sở Y tế có tình trạng thiếu thuốc, 12/21 bệnh viện tuyến Trung ương thiếu thuốc. Tình trạng thiếu vật tư y tế cũng diễn ra tương tự tại nhiều cơ sở y tế.

Vậy nên, không cần đợi đủ con số báo cáo về tình hình viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc mới có hướng xử lý mà cần sớm có những quyết sách kịp thời để "cứu lấy blouse trắng".

Lời cảnh tỉnh "Hãy cứu lấy blouse trắng" cũng chính là cứu lấy sức khỏe của người dân.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/hay-cuu-lay-blouse-trang-khong-con-la-loi-canh-tinh-1062381.ldo

 

Theo LÊ PHI LONG (LĐO)

 

Có thể bạn quan tâm