Những thông tin cuối năm 2021 làm cho cộng đồng doanh nghiệp và người dân hứng khởi. Tổng số thu ngân sách năm qua ước đạt 103,4% dự toán, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu đạt trên 336 tỉ USD, tăng 19% so với năm 2020.
Dây chuyền sản xuất linh kiện điện tử của một doanh nghiệp. Ảnh: T.HẰNG |
Năm 2021, kim ngạch xuất, nhập khẩu vượt mốc 660 tỉ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Có những ngành giữ vững được sản xuất, điển hình như xuất khẩu ngành Dệt may vẫn tăng 11,2% so với năm 2020, cán mốc 39 tỉ USD. GDP quý IV/2021 tăng 5,22% tạo đà cho năm 2022.
Nêu vài con số trên để thấy được trong tình hình vô cùng khó khăn do đại dịch COVID-19, kéo dài suốt hai năm, nhưng Việt Nam vẫn kiểm soát được dịch và giữ vững nền kinh tế. Từ đó, chúng ta có niềm tin rằng, sẽ vượt qua mọi thách thức để tiến lên, đây là lựa chọn duy nhất và hoàn toàn có thể thực hiện được.
Khi thiên tai địch họa giáng xuống, đương nhiên phải có tổn thất về người và của, nhưng hạn chế được tối đa thiệt hại là điều mà Việt Nam đã làm được. Điểm sáng rõ nhất là huy động được nguồn vaccine rất lớn trong một thời gian ngắn và triển khai tiêm chủng nhanh, đạt 150 triệu liều trong năm 2021. Đây là hàng rào phòng thủ tương đối vững chắc để thực hiện các hoạt động phục hồi kinh tế.
Nhiệm vụ của năm 2021 đã hoàn thành, cuộc chạy nước rút cuối năm làm bàn đạp để bước vào một năm mới thực hiện hoàn thành nhiệm vụ mới. Nhiệm vụ đó là gì?
Xin nhắc lại những trăn trở của Thủ tướng Phạm Minh chính tại Diễn đàn “Make in Việt Nam” vừa qua, đó là “những vấn đề của đất nước" như cạn kiệt tài nguyên, già hoá dân số, biến đổi khí hâu, chênh lệch giàu nghèo, đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế...
Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói chắc nịch rằng: “Chúng tôi - những người làm trong lĩnh vực công nghệ số - luôn có niềm tin rằng, công nghệ số giải được rất nhiều những bài toán khó tồn tại lâu dài với nhân loại, với Việt Nam”. Nhưng đó là ngành Công nghệ thông tin, còn những ngành khác, các doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác cũng phải xắn tay áo vào để cùng giải những “những vấn đề lớn của đất nước”.
Phục hồi kinh tế là để phục vụ con người, hàng vạn công nhân quay trở lại nhà máy, nhưng năm 2022 phải khác, đó là nâng cao thu nhập và được chăm sóc sức khỏe tốt hơn. Đại dịch COVID-19 cho thấy nỗi đau của người lao động không nhà, hãy xóa nỗi đau đó bằng xây nhà ở cho công nhân. Xây từng viên gạch ngay từ bây giờ, nếu không thì nhà ở cho công nhân mãi mãi chỉ là dự án trên giấy.
Để xóa khoảng cách giàu nghèo, giảm bớt chênh lệch giữa nông thôn và thành thị, đương nhiên phải làm cho người nông dân giàu hơn, tiếp cận với đời sống hiện đại hơn. Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, dự thảo Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030 xoay quanh 3 trụ cột: “Nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”.
Thực hiện chiến lược theo từng giai đoạn hãy cứ làm, nhưng sau một năm, phải quyết toán một cách sòng phẳng với dân là đã làm được việc gì, đã thay đổi được gì, người dân thụ hưởng được giá trị gì. Cụ thể, nông thôn có hiện đại hơn hay không?
Phát triển kinh tế phụ thuộc một phần vào chất lượng hạ tầng giao thông, cho nên những dự án chậm tiến độ là “vấn đề” cần phải giải. Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã thất hứa quá nhiều lần, phải làm dứt điểm để phục vụ người dân đi lại và hỗ trợ phát triển vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ngay trong năm 2022, còn nhiều dự án phải triển khai đúng tiến độ, riêng ba dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây phải hoàn thành.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng công khai cam kết nếu sau một năm, không có các sản phẩm công nghệ do doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm ra, giúp cho đất nước phát triển thì ông sẽ từ chức.
Nếu các tư lệnh khác cũng đưa ra một lời cam kết mạnh mẽ và thực hiện thành công trong năm 2022, thì chỉ sau một năm, những tồn tại của đất nước sẽ vơi đi rất nhiều.
Theo LÊ THANH PHONG (LĐO)