Ngày 23.5, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định thông báo nạn nhân Lê Minh Hoàng (SN 1969, trú phường 1, TP.Tuy Hòa) - người bị đánh sau khi xảy ra va chạm giao thông vào tối 21.5 tại Phú Yên đã tử vong.
Trước đó, khoảng 22h30 tối 21.5, ông Hoàng điều khiển ôtô 78A-091.98 trên đường Lê Duẩn, phường 7, TP.Tuy Hòa thì va chạm với xe máy 78G1-622.04 do Lê Chí Đạt (SN 1995, trú huyện Sơn Hòa) điều khiển.
Tai nạn không nghiêm trọng, nhưng khi ngã xuống đường, Đạt ngồi trước đầu xe hơi chửi bới ông Hoàng.
Lúc này, ông Hoàng mở cốp xe lấy gậy bóng chày (bằng kim loại dài 70,5cm) đánh một cái vào chân Đạt.
Bị đánh, Đạt giật lấy gậy bóng chày, đánh trúng vùng đầu ông Hoàng, khiến nạn nhân ngã xuống đường bất tỉnh... Ông Hoàng đã mất mạng sau đó vì chấn thương sọ não nặng...
Cũng trong ngày 23.5, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Công an tỉnh Đắk Lắk đã tạm giữ Nguyễn Duy Hải (SN 1998, trú ở buôn Ko H Neh, xã Cuôr Đăng) để điều tra về hành vi giết người xảy ra tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar.
Vì mâu thuẫn, có lời qua tiếng lại trong lúc cùng ăn nhậu, Nguyễn Duy Hải đã dùng dao đâm chết L.T.T.H (SN 2003), trú cùng buôn Ko H Neh, xã Cuôr Đăng...
Những cái chết không đáng có như thế này thường xuyên xảy ra, từng ngày, khắp nơi, đến nỗi người dân dần ít quan tâm. Một mặt, nạn nhân của những vụ án mạng này cũng không phải "tay vừa" trong những cuộc xung đột đó. Nhưng đây là thực trạng xã hội rất đáng báo động.
Dù "giết người phải đền tội", khi án mạng xảy ra thì kẻ thủ ác phải lãnh án nặng. Nhưng nạn nhân cũng không thể sống lại được, nhiều hệ lụy xã hội sẽ trút xuống gia đình, người thân của cả 2 bên.
Cuộc sống với muôn vàn mối quan hệ, luôn xảy ra các sự cố ngoài ý muốn, làm phật lòng nhau, sẵn sàng làm bùng nổ những cơn giận dữ... Nhưng nếu một trong 2 bên kiềm chế, nhẫn nhịn thì sẽ bớt đi những xung đột, mỗi ngày xã hội bớt đi những vụ việc "đen tối", tiêu cực.
Vì vậy, bên cạnh việc xử lý hình sự các đối tượng giết người này, rất cần việc thường xuyên nhắc nhở, giáo dục con người từ tấm bé, từ gia đình, đến trường học và ngay với cả những người đã trưởng thành... Hãy dạy trẻ con, hãy nhắc người lớn phải biết nói lời xin lỗi khi xảy ra sự cố đáng tiếc nào đó - dù đôi khi mình không sai.
Dẫu 2 từ "xin lỗi", với bất kỳ ai cũng rất khó nói ra. Nhưng luôn nói lời xin lỗi sẽ giúp mình rèn được tính khiêm nhường, kiên nhẫn. Hơn cả, lời xin lỗi chân thành sẽ giúp hóa giải những cơn giận dữ, sẽ làm hòa, hạn chế các xung đột...
Hai vụ việc vừa xảy ra nói trên, đôi khi chỉ cần 1 lời xin lỗi cũng có thể đã không xảy ra bạo lực, có thể đổi cả tính mạng.