Đây cũng là thời điểm, thời cơ; là sự cấp thiết, là đòi hỏi tất yếu khách quan cho cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức để bộ máy hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Dù hội nghị có nhiều nội dung, song dư luận quan tâm nhất vẫn là triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Những gợi mở của Bộ Chính trị tại hội nghị này đã chấm dứt những lời đồn đoán, xầm xì về chuyện sáp nhập bộ nọ bộ kia, giải tán cơ quan này, thành lập đơn vị kia; ai ở lại, ai ra đi khi việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được triển khai đồng loạt với tốc độ không thể chậm hơn.
Nói như Tổng Bí thư, đó là một “cuộc cách mạng”, mà để thành công thì phải đổi mới tư duy, tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn nhằm khơi thông mọi nguồn lực và cải cách hành chính mạnh mẽ, kiến tạo môi trường thuận lợi để phát triển.
Theo chủ trương này, sẽ có những ban Đảng, bộ, ngành phải chấm dứt hoạt động, chuyển chức năng, nhiệm vụ về các ban, bộ, ngành khác phù hợp; sẽ có những cơ quan, đơn vị ở trung ương, tỉnh, huyện phải sắp xếp tinh gọn nhân sự và hoạt động đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao để không còn tình trạng biên chế “càng giảm lại càng phình to ra” như lâu nay, khiến ngân sách nhà nước phải dành đến 70% để trả lương, chi thường xuyên, đất nước muốn phát triển phải đi vay nợ nước ngoài.
Bối cảnh kinh tế-xã hội cùng sự phát triển về cơ sở pháp lý, hạ tầng công nghệ thông tin mạnh mẽ đang tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình này. Nhiều quốc gia trên thế giới đã rất thành công khi bộ máy chính phủ được tổ chức theo mô hình bộ đa ngành. Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm từ họ, đồng thời điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với thực tiễn đất nước.
Tuy nhiên, tinh gọn bộ máy không đơn thuần là cắt giảm, sáp nhập cơ học các cơ quan hay nhân sự mà là tái cấu trúc toàn diện, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, loại bỏ những chồng chéo, bất cập tồn tại đã nhiều năm. Điều này giúp giảm bớt gánh nặng ngân sách, tạo ra sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa các cơ quan, đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp-yếu tố sống còn để đáp ứng kỳ vọng của xã hội trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và chịu áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng sự đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp chúng ta có một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn mới. Hơn lúc nào hết, vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu trong “cuộc cách mạng” này là hết sức cần thiết để tạo ra sức mạnh lan tỏa mạnh mẽ, không chỉ trong Đảng mà còn trong toàn bộ hệ thống chính trị và xã hội, góp phần làm cho công tác tinh gọn bộ máy sớm thành hiện thực, mở ra một chương mới cho cuộc cách mạng về quản trị quốc gia.
“Bây giờ là lúc phải hành động. Trên cơ sở chủ trương, chính sách chung của Đảng, Nhà nước và sự điều tiết của Trung ương, các địa phương phải trăn trở, suy nghĩ “trên chính mảnh đất của mình”, phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo để phát triển; từng cơ quan, đơn vị, địa phương phải đặt ra mục tiêu phấn đấu cụ thể để đóng góp vào hoàn thành mục tiêu chung của đất nước”-Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu.
Cải cách chưa bao giờ là dễ dàng vì sẽ đụng chạm đến rất nhiều lợi ích lớn nhỏ. Nhưng đây là thời khắc mang tính lịch sử của cuộc cách mạng về tổ chức, cán bộ để đất nước không vuột mất cơ hội bước vào kỷ nguyên mới sau những thành tựu của công cuộc đổi mới được khởi xướng từ Đại hội VI gần 40 năm trước.
Hy vọng rằng, không chỉ ở trung ương mà người đứng đầu các địa phương cũng phải thực sự đủ bản lĩnh, đủ trách nhiệm để vượt qua chính mình, mà thực chất là đặt lợi ích cá nhân sang một bên để cùng nhìn về một hướng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một đất nước Việt Nam giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới.