Xã hội

Gia đình

Rèn luyện tính tự giác ở trẻ con

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi thường giục 2 con đi ngủ sớm, để sáng mai còn đi học. Nhưng sáng nào cũng như sáng nào, tôi luôn phải lặp đi lặp lại “điệp khúc” hối thúc con trong vội vàng, có lúc còn lớn tiếng. Có lẽ nhà nào có con nhỏ cũng vậy vì trẻ con hầu hết đều... giống nhau.

Với một người thường xuyên làm việc cùng trẻ em và nghiên cứu trong lĩnh vực trẻ em, tôi vẫn luôn suy nghĩ về vấn đề này. Cho đến khi tôi đọc được câu nói “nếu bạn cứ thúc giục trẻ, trẻ có xu hướng phụ thuộc vào lời hối thúc” thì tôi bắt đầu thay đổi.

Trong cuộc sống, tôi cho rằng, nếu muốn người khác thay đổi thì bản thân phải thay đổi trước, huống hồ đây là trẻ con, lại là con mình. Đương nhiên, trẻ học hành vi từ gia đình đầu tiên, thường là người gần gũi nhất. Mà người luôn quan tâm, gần gũi con nhất chính là mẹ. Vậy nên mới có câu nói “con hư tại mẹ”. Câu này đa nghĩa, tuy nhiên, dưới góc độ tâm lý học hành vi thì vì mẹ là người đầu tiên tiếp xúc nhiều với trẻ nên trẻ có xu hướng bắt chước những hành vi của người mẹ-người bạn, người nuôi dưỡng đầu tiên.

Tranh minh họa (nguồn internet).

Tranh minh họa (nguồn internet).

Tôi thay đổi bằng cách nói chuyện với con về việc quý trọng thời gian. Mỗi lần con thức dậy, tôi đều “giả vờ quên” và hỏi con: “Cái gì là quý giá nhất trong cuộc đời nhỉ”? Con đáp: “Là thời gian ạ”. “Thế mình phải làm gì?”. “Phải quý trọng thời gian để không lãng phí thời gian ạ”. Hàng ngày, chở con đến trường, khi dừng chờ đèn đỏ, vì ngã tư lớn nên đèn nhảy đến 65 giây, thế nào con cũng nói: “Công nhận, hơn 1 phút mà lâu ghê”. Tôi liền trả lời: “Lâu mình cũng phải chấp hành, 65 giây ngoài đường con thấy lâu vậy mà ở nhà con đã lãng phí hàng phút khi cứ nằm trên giường lăn qua lăn lại không chịu dậy sớm. Nếu con không dậy sớm, để khi đi ra ngoài đường sợ con trễ bố mẹ phải điều khiển xe nhanh là sẽ nguy hiểm, có nguy cơ xảy ra tai nạn, như thế nếu bị ngã thì sẽ rất đau”.

Một hôm, vì gọi con không được, tôi tuyên bố, nếu đúng giờ con không xuống thì con sẽ đến trường muộn. Tôi xuống sảnh trước. Còn con thì loay hoay, vì đi sau phải khóa cửa, chuẩn bị cặp, mang theo mũ, áo khoác. 20 phút sau, con mới xuống và kèm theo lời giải thích, lúc con nhớ được cặp thì quên mũ, lúc lấy được rồi thì quên khóa cửa, quay lại khóa cửa thì lại bỏ quên mũ bảo hiểm, con phải quay lại 4 lần. Kết quả, hôm đó con đi học trễ nửa tiết đầu.

Tôi dắt con vào lớp. Con rụt rè vì sợ cô giáo mắng. Tôi nói đó là lỗi của con, cô giáo có phạt thì phạt nhưng có lẽ đây sẽ là lần cuối cùng con đi học trễ như thế. Tôi nói rồi đi về, dù trong lòng có áy náy, nhưng quả nhiên sang tuần sau, cậu chàng cứ đúng giờ báo thức là dậy, bài tập về nhà cũng tự sắp xếp và đánh răng, chuẩn bị quần áo trong vài phút. Tôi khen ngợi rồi nói về lợi ích của việc dậy sớm và tin con sẽ thay đổi để làm gương cho em.

Có lẽ vấn đề khó nhất là tạo lập hành vi mới cho trẻ con rồi rèn luyện để duy trì nó. Tôi áp dụng các phương pháp tâm lý đã được học để dạy con như làm gương, duy trì, khen thưởng, xử phạt... và đòi hỏi mẹ cũng phải thay đổi để cùng “thích nghi”. Thay vì giục, tôi để con trải nghiệm hành vi, hậu quả và tự ý thức. Kết quả là con đã dần thay đổi. Vậy nên, tôi cho rằng, người lớn chúng ta không chỉ hướng dẫn, cầm tay chỉ việc cụ thể mà còn làm gương từ đó trẻ sẽ tạo lập được những thói quen mới.

Có thể bạn quan tâm