Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Hệ sinh thái đa dạng trên Trái Đất được ra đời từ va chạm hành tinh?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Kết quả một nghiên cứu khoa học quốc tế cho thấy vụ va chạm hành tinh cách đây 470 triệu năm đã tạo ra mợt lớp bụi kín dẫn tới kỷ băng hà và tiếp đó dẫn tới đa dạng hệ sinh thái trên Trái Đất.
Ảnh minh họa. (Nguồn: pbs.org)
Ảnh minh họa. (Nguồn: pbs.org)
Một vụ va chạm trong vành đai tiểu hành tinh cách đây 470 triệu năm đã dẫn tới hệ sinh thái đa dạng trên Trái Đất. Đây là kết luận được đưa ra trong công trình nghiên cứu vừa đăng trên tạp chí Science Advances.
Công trình nghiên cứu được nhóm các nhà khoa học quốc tế, do nhà địa chất Birger Schmitz tại Đại học Lund University dẫn đầu, tiến hành đã phát hiện vụ va chạm làm vỡ một hành tinh trong vành đai tiểu hành tinh nằm giữa Sao Mộc và Sao Hỏa, khiến một lượng bụi lớn phủ kín toàn bộ bên trong Hệ Mặt Trời. Lượng bụi này dẫn tới kỷ băng hà và tiếp đó dẫn tới đa dạng hệ sinh thái trên Trái Đất.
Các nhà khoa học cho rằng việc bụi che lấp phần nào ánh sáng Mặt Trời chiếu tới Trái Đất dẫn tới hình thành kỷ băng hà, đồng thời khiến khí hậu trên Trái Đất biến đổi từ tương đối đồng nhất sang phân chia thành các vùng khí hậu khác nhau: từ thời tiết băng giá tại các cùng cực đến thời tiết nhiệt đới tại vùng xích đạo. Khi đó, các loài động vật không xương sống tiến hóa đa dạng để thích nghi với khí hậu mới.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện các đồng vị helium ngoài khí quyển trong trầm tích ở dưới đáy biển ở miền Nam Thụy Điển. Theo đó, bụi từ vụ va chạm hành tinh nói trên trong hành trình di chuyển đến Trái Đất đã thu nạp helium mỗi khi có tác động của gió Mặt Trời.
Một số nhà khoa học đưa ra đề xuất có thể đưa các tiểu hành tinh, như các vệ tinh, vào quỹ đạo Trái Đất để có những va chạm liên tục phát ra bụi chặn phần nào ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất, nhờ đó có thể làm mát Trái Đất trong bối cảnh khí hậu toàn cầu ấm lên.
Thanh Hương (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm