Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Hệ thống ngôi sao "con công" hiếm có ở Ngân Hà chực chờ phát nổ

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Hệ thống ngôi sao "con công" hiếm có được tìm thấy ở thiên hà của chúng ta, tức Ngân Hà (Milky Way), được dự báo sẽ sớm xảy ra vụ nổ lớn.
 
Hình ảnh hồng ngoại của hệ thống ngôi sao Wolf-Rayet được gọi là Apep, cách trái đất 8000 năm ánh sáng. Ảnh: European Southern Observatory.
Hình ảnh hồng ngoại của hệ thống ngôi sao Wolf-Rayet được gọi là Apep, cách trái đất 8000 năm ánh sáng. Ảnh: European Southern Observatory.
Hệ thống ngôi sao hiếm có có vẻ ngoài giống như một chong chóng vũ trụ cách trái đất khoảng 8.000 năm ánh sáng. Tuy nhiên, hệ thống sao này hiếm tới nỗi các nhà thiên văn học chưa từng kỳ vọng sẽ tìm thấy hệ thống sao tương tự trong thiên hà của chúng ta, CNN đưa tin.
Hệ thống Apep - được đặt theo tên của vị thần Ai Cập là hiện thân của hỗn loạn - không chỉ là 1 mà tới 2 ngôi sao Wolf-Rayet vốn cực kỳ hiếm thấy.
Chỉ một trong số một trăm triệu ngôi sao đủ lớn để trở thành sao Wolf-Rayet. Chỉ có một số ngôi sao lớn tiến hóa thành các sao Wolf-Rayet khi gần kết thúc sự tồn tại. Giai đoạn này kéo dài vài trăm nghìn năm, nhưng thời gian tồn tại của một ngôi sao thì rất ngắn, các nhà thiên văn học cho biết.
Và cặp ngôi sao Wolf-Rayet thậm chí còn hiếm hơn nhưng đã được các nhà thiên văn học phát hiện khi tìm thấy hệ thống sao Apep năm 2018.
Cả hai ngôi sao trong hệ nhị phân Apep đều nặng gấp 10 đến 15 lần mặt trời, sáng hơn 100.000 lần và nóng hơn 5 lần với nhiệt độ khủng khiếp lên tới 25.000 độ C.
Cặp sao Wolf-Rayet quay quanh nhau sau mỗi 125 năm hoặc lâu hơn, ở khoảng cách gần tương đương với toàn bộ chiều dài của hệ mặt trời của chúng ta.
Một yếu tố hiếm hơn là cặp Wolf-Rayet này phát ra lượng lớn bụi ngôi sao, tạo thành một cái đuôi phát sáng quanh cặp sao này khi chúng quay nhanh hơn bao giờ hết.
Theo RT, một sinh viên Đại học Sydney là Yinuo Han và các cộng sự đã áp dụng kỹ thuật hình ảnh độ phân giải cao để khảo sát hệ sao Apep được Kính viễn vọng Rất lớn của Đài quan sát Nam Âu ở Chile chụp được. Han đã so sánh mức độ phóng đại cần thiết để "nhìn thấy một cây đậu gà trên bàn cách đó 50km".
Từ đó, Han và các đồng nghiệp đã tạo ra một mô hình giải thích chính xác phần đuôi xoắn ốc phức tạp và bất thường, làm sáng tỏ hành vi bất thường của các cấu trúc sao đặc biệt này.
Phần đuôi của cặp sao giãn nở chậm hơn 4 lần so với gió thổi ở vùng lân cận. Các luồng gió do cặp sao này phát ra di chuyển với tốc độ khoảng 12 triệu km/h, khoảng 1% vận tốc của ánh sáng, nhưng bụi do chúng tạo ra lại di chuyển với tốc độ chỉ bằng 1/4.
Các nhà nghiên cứu hiện nghi ngờ rằng tốc độ quay của các ngôi sao là nguyên nhân dẫn đến sự kỳ lạ này.
Thêm vào đó, Han và nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, một ngày nào đó, hệ sao Apep có thể tạo ra một vụ nổ tia gamma khi phát nổ - hiện tượng chưa từng được chứng kiến trước đây ở thiên hà Ngân Hà.
Hệ sao Apep đang quay cực kỳ nhanh, có nghĩa là nó có tất cả các thành tố cần thiết để tạo ra một vụ nổ tia gamma kéo dài, một trong những sự kiện năng lượng nhất và có khả năng gây chết người, trong vũ trụ.
Những vụ nổ tia gamma như vậy đủ mạnh để xé bỏ toàn bộ khí quyển khỏi các hành tinh và có liên quan đến các sự kiện tuyệt chủng hàng loạt trên trái đất trước đây. Rất may, hệ sao hiếm có Apep không gây rủi ro cho trái đất bởi nó quay xa khỏi hành tinh của chúng ta.
THANH HÀ (LĐO)
https://laodong.vn/the-gioi/he-thong-ngoi-sao-con-cong-hiem-co-o-ngan-ha-chuc-cho-phat-no-844351.ldo

Có thể bạn quan tâm