Hè về lại lo đuối nước

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Chưa đầy một tháng nữa, học sinh cả nước sẽ bước vào kỳ nghỉ hè. Đây là dịp để các em có những giờ phút vui chơi, giải trí, bổ sung năng lượng trước khi bước vào năm học mới. Tuy nhiên, kèm theo đó cũng là nỗi lo thường trực về sự gia tăng tai nạn thương tích ở trẻ em trong dịp này.

Bà Đặng Thị Bình-Phó Trưởng phòng Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết: Trong số 71 trẻ tử vong do tai nạn thương tích trong năm 2016 trên địa bàn tỉnh thì có tới 51 trường hợp tử vong do đuối nước, chiếm 67,1% (giảm 12 trường hợp so với năm 2015).

 

Tăng cường rèn luyện kỹ năng bơi lội, phòng-chống đuối nước. Ảnh: Đ.T

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 16 trường hợp trẻ em tử vong do đuối nước. Ia Grai và Chư Prông là 2 huyện có số trẻ tử vong do đuối nước cao nhất tỉnh (mỗi huyện có 4 trường hợp). Tiếp theo là các huyện Chư Pah (3 trường hợp), Chư Pưh (2 trường hợp). Các huyện Đak Pơ, Krông Pa và Đak Đoa có 1 trường hợp tử vong do đuối nước. Các trường hợp tử vong do đuối nước phần lớn rơi vào các gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở vùng nông thôn.    

“Chỉ ít phút bất cẩn lơ là trong việc chăm sóc trẻ đã để xảy ra hậu quả nặng nề, đau xót.  Đau lòng nhất là chỉ trong vòng 2 tuần (từ cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 4-2017), tại tỉnh đã xảy ra 3 vụ đuối nước thương tâm khiến 8 học sinh tử vong”-bà Đặng Thị Bình cho biết.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, qua khảo sát số trẻ em là con hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội, con hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh trong độ tuổi 6-10 có kiến thức, kỹ năng về bơi và an toàn trong môi trường nước là 15,6% (18.732/119.920 em) và độ tuổi 10-14 là 25% (21.401/85.525 em).

Việc đưa môn bơi là môn học tự chọn vào chương trình giáo dục thể chất trong các trường phổ thông đã được Bộ Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo từ năm 1980. Tuy nhiên, việc triển khai tại các tỉnh thành trong cả nước còn gặp khó khăn. Ngoại trừ một số ít trường tư thục, hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh không có điều kiện triển khai và nếu có thì học sinh cũng chỉ được học bơi trên lý thuyết chứ không có điều kiện thực hành. Đội ngũ giáo viên môn Giáo dục thể chất biết bơi và biết dạy bơi còn thiếu và hạn chế.

Trường THCS Nguyễn Du (TP. Pleiku) là một trong những trường chuẩn quốc gia nhưng vẫn chưa được đầu tư xây dựng hồ bơi. “Ngay từ lớp 6, môn bơi đã là một trong 4 môn thể dục tự chọn. Nhà trường có giáo viên thể dục dạy bơi nhưng không có hồ bơi để thực hành nên học sinh chủ yếu học lý thuyết là chính. Nếu em nào có điều kiện thì nhà trường khuyến khích đăng ký học thêm môn bơi để rèn luyện kỹ năng phòng-chống đuối nước”-đại diện Ban Giám hiệu nhà trường cho biết.  

Trong khi đó, thầy Nguyễn Đình Tùng-Hiệu trưởng Trường Bán trú Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở Sao Việt (TP. Pleiku) cho biết: Nhà trường đã triển khai đưa môn bơi vào trong học đường và đang triển khai xây dựng thêm 2 hồ bơi trong nhà với diện tích 1.200 m2. Theo kế hoạch, vào đầu năm học 2017-2018, nhà trường sẽ đưa vào sử dụng 2 hồ bơi nói trên.    

Vào dịp hè, nguy cơ tai nạn thương tích ở trẻ thường gia tăng. Do vậy, ngoài sự vào cuộc của các cấp, các ngành, điều quan trọng nhất là mỗi gia đình cần có sự quan tâm, thường xuyên nhắc nhở con cái trong việc đảm bảo an toàn cho bản thân, phòng-chống tai nạn thương tích.

Như Ý

Có thể bạn quan tâm