Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Heo đất ngày xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Những ngày thơ bé, năm nào tôi cũng nuôi một chú heo đất. Cứ sau Tết Nguyên đán, ba lại đạp xe chở tôi ra chợ mua một chú heo mới. Đứng trước gian hàng gốm sứ, tôi tần ngần chọn cho mình một chú heo xinh xắn, ưng ý. Ngày trước, heo đất không đa dạng mẫu mã như bây giờ mà chỉ có vài họa tiết đơn giản. Đảo mắt tới lui cho thỏa thích nhưng cuối cùng tôi vẫn chọn một chú heo màu xanh lam mang ý nghĩa tươi trẻ, hy vọng. 
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Sau khi mang heo về nhà, đặt lên bàn, tôi lấy khăn lau sạch sẽ rồi dùng số tiền mà người lớn đã lì xì trong dịp Tết cho heo “ăn”. Trong chốc lát, cả xấp bao lì xì chỉ còn vỏ. Vì muốn heo “căng bụng”, ba mẹ cho tôi thêm một ít tiền nữa. Cho heo “ăn” xong, tôi ôm cất vào ngăn tủ. Cứ mỗi ngày đi học, tiền ăn quà còn dư, tôi lại háo hức chạy về nhà bỏ heo. Ai cũng khen tôi giỏi tiết kiệm.
Việc nuôi heo đất của tôi diễn ra khá trơn tru, êm đẹp. Cho đến cái ngày xảy ra một sự cố làm tôi nhớ mãi không quên. Ấy là lúc tôi bị mất chú heo đất. Hôm đó là ngày giỗ ông, mọi người đến tham dự, ra vào đông đúc. Tôi được nghỉ học, ham chơi với bạn bè và những người anh chị em bà con cùng trang lứa nên quên mất chú heo đất đặt trên bàn học. Đến khi sực nhớ, chạy vào xem thì con heo đất không cánh mà bay. Khỏi phải nói, tôi đứng giậm chân tại chỗ khóc như mưa. Ba không biết phải làm sao để tôi ngừng khóc. Càng dỗ dành tôi càng khóc to. Cuối cùng ba nghĩ đến phương án mua con heo đất mới để đền bù, nhưng nói gạt là “Heo đất của con được tìm thấy sau nhà kho. Chắc có lẽ do lúc mọi người dọn dẹp để bày biện bàn tiệc nên cất chú heo vào kho”. Giờ nghĩ lại thấy thương ba làm sao, phải đạp xe lên tới chợ huyện cách nhà gần 6 cây số rồi mất thêm nửa giờ chạy quanh các gian hàng gốm sứ mới tìm được chú heo đất màu xanh lam giống y như con cũ.  
Cuối năm là lúc tôi thu hoạch heo đất để lấy tiền. Đập heo thì không nỡ vì thấy tội quá, dù nó chỉ là khối đất sét vô hồn. Ba nghĩ ngay đến việc khoét đít heo cho rộng để dễ lấy tiền, còn thân heo thì không hư hao gì. Chính vì thế mà về sau, phòng tôi có cả một bộ sưu tập heo đất rất dễ thương. Số tiền lấy ra từ  heo đất, ba mẹ cho tôi được quyền sử dụng tùy thích. Thường là tôi mua quần áo, giày dép mới, đồ chơi, còn lại để bỏ túi ăn quà bánh trong ngày Tết.
Bộ sưu tập heo đất giờ vẫn còn nằm trong tủ kính lung linh. Mặc cho ngăn tủ chật ních, tôi vẫn không nỡ vứt chúng đi mà nhất quyết giữ lại làm kỷ niệm. Bởi đó là quá khứ, ký ức tươi đẹp của tuổi thơ. Hơn hết, nó dạy cho tôi bài học về sự tiết kiệm, sống có nguyên tắc và trân quý những gì mình làm ra.
Nguyễn Tấn Quốc

Có thể bạn quan tâm