Hết thời học chơi-lấy bằng thật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiều người nhận xét rằng, các trường đại học, cao đẳng ở nước ta hiện đang nỗ lực nâng cao uy tín, tạo thương hiệu để tồn tại trong thời buổi cạnh tranh khốc liệt của hệ thống giáo dục đại học. Một trong những biện pháp quan trọng là siết chặt đầu ra của “sản phẩm” vì chính chất lượng sinh viên ra trường được thị trường lao động chấp nhận là “chứng chỉ uy tín” đặc biệt rồi.

Trước đây, trong đào tạo bậc đại học, đa số các trường chỉ chú trọng đầu vào, tức là làm ngược quy trình, còn đầu ra thì bỏ lửng, sinh viên có tìm được việc làm hay không, nhà trường không mấy quan tâm. Khi vào được đại học, đa số sinh viên yên tâm là thế nào mình cũng cầm được bằng tốt nghiệp nên thường lơ là việc học tập, nghiên cứu, miễn sao cứ đến kỳ thi hết môn, hết học phần, trả bài cho thầy đủ điểm 5/10 là được; nếu vì lý do gì đấy mà thiếu điểm thì thi lại lần thứ 2, thứ 3, thế nào rồi thầy cũng cho qua.

 

Ảnh minh họa

Chính điều ấy, một thời nhiều trường đại học, cao đẳng quá dễ dãi với sinh viên mà nới lỏng chất lượng đào tạo nên đã cho ra trường hàng vạn “sản phẩm” tồi dẫn đến thất nghiệp với con số ngày càng lớn. Ngày nay, bước vào thời kỳ tự chủ của các trường đại học, uy tín về chất lượng đào tạo được đặt lên hàng đầu và mang ý nghĩa sống còn, nên việc quan tâm đến học tập chuyên cần của sinh viên là tất yếu. Gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về số lượng sinh viên bị các trường đại học buộc thôi học vì lý do học tập yếu kém khiến cho nhiều bậc phụ huynh lo ngại.

Đơn cử, Trường Đại học Giao thông-Vận tải (TP. Hồ Chí Minh) có hàng ngàn sinh viên bị cảnh báo học vụ lần 1, lần 2 (tức là vào vòng nguy hiểm có thể bị buộc thôi học), và quả nhiên sau đó nhà trường phải ký quyết định buộc 600 sinh viên thôi học vì học lực kém. Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội) năm 2016 đã có 800 sinh viên bị buộc thôi học và năm 2017 đã có 600 sinh viên phải rời khỏi giảng đường. Các trường đại học khác như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh… cũng đã có hàng trăm sinh viên bị buộc thôi học vì lý do học lực kém. Chúng ta có thể làm phép tính nhẩm, chỉ trong vài năm trở lại đây, con số sinh viên buộc phải rời giảng đường đại học đã lên đến hàng vạn, trong số đó, hầu hết các em trở về địa phương không bằng cấp, vô nghề nghiệp và rơi vào tình trạng thất nghiệp; chỉ một số ít em có ý chí có thể trở lại học tập với một ngành nghề thích hợp hơn.

Theo phân tích của một số cán bộ quản lý các trường đại học nói trên, số sinh viên bị đuổi học đều được nhà trường rà soát kỹ lưỡng, cảnh báo học vụ nhiều lần, nếu em nào có chút tiến bộ thì được cứu xét. Nhà trường cũng có biện pháp liên hệ, phối hợp với gia đình để theo dõi, quản lý việc học tập của con em mình, nhưng đa số sinh viên sa sút việc học tập thường khó lấy lại phong độ và đã buông tay. Trong số này có nhiều em là học sinh giỏi ở phổ thông, học trường chuyên lớp chọn; có em đỗ thủ khoa vào đại học hoặc là sinh viên xét tuyển thẳng… Nói như vậy để thấy rằng việc học ở phổ thông khác xa với học đại học. Học ở phổ thông, học sinh luôn được kèm cặp bởi thầy giáo và phụ huynh, còn ở bậc đại học là tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức ở lĩnh vực chuyên môn mà mình theo học, người thầy chỉ đóng vai trò gợi mở, giới thiệu để sinh viên tự mày mò tìm đến chân lý theo cách của mình.

Có mấy nguyên nhân có thể tạm thời rút ra để các bậc phụ huynh tìm hiểu nhằm chuẩn bị tâm thế, tâm lý cho con em mình khi vào giảng đường đại học hoặc giúp đỡ các em đang theo học. Thứ nhất, sinh viên phải tránh tâm lý “xả hơi” khi bước vào ngưỡng cửa đại học, không được chủ quan cho rằng mình học khá giỏi ở phổ thông mà lơ là, ngược lại phải nỗ lực, cố gắng ngay từ đầu để có vị trí về học lực ở trong lớp, trong khoa. Thứ hai, phải có phương pháp học tập tốt nhất với điều kiện và hoàn cảnh cá nhân mình. Không quá lo lắng khi chưa bắt nhịp được với môi trường học tập mới mà phải tìm hiểu qua cách học tập, nghiên cứu của các lớp đàn anh để tự bổ sung cách học cho mình.

Thứ ba, nếu sau một thời gian học tập mà tự thấy mình không phù hợp với ngành nghề đã chọn hay không thích nghi được với môi trường học tập mới thì phải tìm cách thay đổi để chọn ngành và chọn trường phù hợp hơn, không nên tự ép mình. Vì nếu bị hoang mang, mất tinh thần sẽ dẫn đến có hại cho sức khỏe, như bị bệnh trầm cảm, hoặc nặng hơn là thần kinh phân liệt… Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp sinh viên lâm vào hoàn cảnh như vậy, gây ra nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội.

Bùi Quang Vinh

Có thể bạn quan tâm