Ở Đồn biên phòng Lũng Cú (Đồng Văn, Hà Giang), những anh em bộ đội bình dị gắn với bao câu chuyện nghĩa tình, gắn bó với biên cương và cột cờ Tổ quốc anh dũng, hiên ngang.
Cột cờ quốc gia Lũng Cú. ẢNH: ĐỘC LẬP
28 người ngã xuống
Năm 1978, khu vực biên phòng (BP) của tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang) bị phía Trung Quốc (TQ) lấn chiếm. Để bảo vệ vững chắc độc lập chủ quyền, an ninh biên giới, tháng 10.1978, Bộ Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ Tư lệnh BĐBP) đã quyết định thành lập Đồn Công an nhân dân vũ trang Lũng Cú (nay là ĐBP Lũng Cú), đến tháng 10.1980 đổi tên là ĐBP Lũng Cú.
Trong 5 năm (2001 - 2005), BĐBP Hà Giang đã phối hợp với các lực lượng ngăn chặn có hiệu quả 352 vụ phía TQ vi phạm chủ quyền VN, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia trên địa bàn tỉnh đảm nhiệm. (Nguồn: BCH BĐBP Hà Giang) |
Đại tá Hoàng Đình Xuất, nguyên Chỉ huy trưởng BĐBP Hà Giang, nhớ lại: Ngày 7.3.1979, quân TQ tập kích vào chốt 1902 của đồn tại khu vực Gì Thàng, nhưng bị ta đánh trả mãnh liệt khiến chúng bị thương vong nặng, phải rút chạy về bên kia. Trận này, 4 cán bộ chiến sĩ của đồn hy sinh; tháng 3.1980, lính TQ phục kích làm 2 chiến sĩ Điều và Tuyến hy sinh trên đường đi công tác. Cũng thời điểm này, quân TQ tập kích vào Trạm BP Lũng Cú, nhưng bị bộ đội phản kích, chúng không chiếm được trận địa của ta. Trận đánh này, 2 chiến sĩ gồm Tân (quê Hương Khê, Hà Tĩnh) và Lương (quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hy sinh; Ngày 28.2.1985, TQ tập kích 3 đợt vào chốt Xín Mần Kha. Bộ đội đồn dưới sự chỉ huy của tiểu đội trưởng Hoàng Ngọc Thanh đã đánh bật các đợt tập kích, tiêu diệt và làm bị thương 3 tên, bảo toàn lực lượng giữ chốt.
“Bị thất bại nặng nề, nhưng phía TQ vẫn không từ bỏ ý đồ chiếm bằng được chốt Xín Mần Kha, vì đây là điểm cao rất có lợi cho chiến thuật. Nếu như chiếm được chốt sẽ dễ dàng tiến đánh các chốt - tổ công tác khác, tập kích đồn bộ và kéo xuống đánh vào TT.Đồng Văn”, đại tá Hoàng Đình Xuất cho biết và liệt kê: Ngày 12.7.1985, phía TQ tiếp tục tập kích vào chốt Xín Mần Kha nhiều lần, nhưng bị bộ đội dưới sự chỉ huy của trung đội trưởng Phan Duy Hoán đánh trả quyết liệt.
Ta diệt và làm bị thương 11 tên nhưng về phía ta, cũng có 3 chiến sĩ hy sinh là Ma Văn Lĩnh, Đinh Văn Thân, Phan Duy Hoán. Điển hình trong trận đánh là chiến sĩ Nguyễn Văn Nguyên (quê ở Tuyên Quang), một mình giữ khẩu RPD chiến đấu giữ chốt đến khi địch rút chạy về bên kia biên giới; đêm 10.1.1986, trung úy Phạm Đức Hải chỉ huy bộ đội giữ chốt trước đợt tập kích của phía TQ...
Thực hiện nghi lễ chào cờ trên cột cờ quốc gia. ẢNH: M.T.H
Nhiều lần tập kích nhưng không chiếm được Trạm BP Lũng Cú và chốt Xín Mần Kha, phía TQ chuyển sang tập kích vào thôn Thèn Ván, Lô Lô Chải (ngày 11.1.1986) nhưng cũng không thành. Ngày 11.12.1986, quân TQ tổ chức lực lượng thám báo xâm nhập thôn Cẳng Tằng và thôn Séo Lủng nằm sát đường biên giới xã Lũng Cú. Bộ đội đồn và đại đội 20 trinh sát BP đã tiêu diệt sinh lực địch, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân, buộc phía TQ phải rút về. Trận đánh cuối cùng là đêm 31.3.1987 tại khu vực mốc 16 (thôn Mã Lủng Kha, xã Ma Lé), bộ đội ĐBP Lũng Cú đánh trả dữ dội cuộc tấn công của lính TQ khiến chúng phải tháo chạy. Trong trận này, chiến sĩ Nguyễn Văn Tiến đã anh dũng hy sinh.
“Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc, ĐBP Lũng Cú đã hy sinh 28 đồng chí, bị thương 42 người”, đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang nói.
Séo Lủng kiên trung
Ông Ly Chứ Sùng (61 tuổi, nguyên Chủ tịch MTTQ VN xã Lũng Cú) kể: Thôn Séo Lủng địa đầu Tổ quốc là bị phía bên kia sang phá nhiều nhất. Trưa 29.2.1992, có 16 lính TQ trang bị súng AK, trung liên, B40, máy bộ đàm, xâm nhập thôn Séo Lủng xã Lũng Cú. Chúng dọa nạt, xua đuổi, ép buộc dân ta rời khỏi thôn. Họ xô đổ 3 ngôi nhà của dân, sau đó rút quân về bên kia biên giới; chiều 4.3.1992, khoảng 30 lính TQ mang tiểu liên AK, trung liên, B40, máy bộ đàm tiếp tục xâm nhập thôn Séo Lủng, đuổi dân ta ra khỏi nhà, đốt cháy 18 nhà, 4.500 kg lương thực và nhiều tài sản khác của dân ta...
“Hồi ấy, Séo Lủng chỉ có mấy chục nóc nhà, đàn ông đàn bà đi nương, còn toàn người già, trẻ con ở nhà, nhưng cũng chẳng sợ súng đạn, cứ lao vào đẩy đuổi bọn ăn cướp. Khi dân quân nổ súng báo động, bộ đội chạy lên, người lớn vác cuốc xẻng chạy về, bọn ăn cướp sợ quá phải rút chạy, đến rơi cả mũ có gắn sao”, ông Ly Chứ Sùng kể.
Thượng tá Nông Minh Thạch, nguyên Phó đồn trưởng ĐBP Lũng Cú, nhớ lại: Ngay khi sự việc xảy ra, ĐBP Lũng Cú viết thư phản kháng sang Trạm kiểm soát biên cảnh Mã Lâm và Trạm hội ngộ hội đàm quân giải phóng nhân dân TQ khu vực Đổng Cán, yêu cầu phía TQ trả lời và có trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với nhân dân thôn Séo Lủng. Khi đó phía TQ trả lời quanh co.
Đại tá Lưu Đức Hùng, Chính ủy BĐBP Hà Giang trao quà tặng học sinh vùng biên giới Quản Bạ, dịp kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống BĐBP
Chiều 11.4.1998, các ông Ly Mí Pó và Ly Mí Mua (thôn Xín Mần Kha, Lũng Cú) đang cày nương ở khu vực Pán Tính, trên đoạn biên giới giữa mốc 16 và mốc 17 đoạn III biên giới Việt - Trung thuộc lãnh thổ VN thì lực lượng vũ trang TQ xâm nhập đe dọa, chiếm giữ công cụ sản xuất. BĐBP Lũng Cú cơ động đến hiện trường xác minh vụ việc, lập biên bản, vẽ sơ đồ hiện trường, hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc, viết thư phản kháng sang Trạm kiểm soát biên cảnh Mã Lâm - TQ và mời ra thực địa hội đàm giải quyết vụ việc. Trước sự đấu tranh cương quyết, bằng những dẫn chứng cụ thể của BĐBP, phía TQ phải thừa nhận sai và trả lại công cụ sản xuất.
Giữ bờ Nho Quế
Ngày 12.2.2004, qua tuần tra biên giới, ĐBP Lũng Cú phát hiện TQ làm đường giáp biên giới sát bờ sông Nho Quế vào khu vực 98C, thuộc thôn Séo Lủng. Dưới lòng sông, họ bắc cầu tạm bằng gỗ nối vào đất ta và tại khu vực đầu cầu thuộc đất VN, phía TQ đã đào một hố móng với ý định làm cây cầu bê tông qua khu vực. Liên tục trong 3 tháng, ĐBP Lũng Cú cùng lực lượng công an, dân quân xã và người dân thôn Séo Lủng thường trực bên bờ sông Nho Quế đấu tranh không cho TQ xây cầu.
“Chúng tôi tuần tra canh gác 24/24, mỗi ngày chia 2 ca, sinh hoạt ăn ở trong lán tạm ngay chỗ họ định xây cầu. Hồi ấy lạnh đến mức nước đóng băng. Ban đêm cả bộ đội dân quân cùng ôm nhau... thức. Ngày nào người dân mang cơm xuống muộn, chỉ nhai mì tôm sống”, thượng tá Nông Minh Thạch nói.
Trước sự đấu tranh cương quyết và những căn cứ rõ ràng, phía TQ phải dừng thi công và khôi phục hiện trạng ban đầu. Ngày 15.3.2004, cán bộ chiến sĩ ĐBP và nhân dân xã Lũng Cú lấp hố móng TQ đào sang đất ta ở khu vực 98C.
Nhớ lại những ngày chống lấn chiếm đầu năm 2004, nguyên Chủ tịch MTTQVN xã Lũng Cú - Ly Chứ Sùng nói: “BĐBP chưa vận động, vài chục người dân Séo Lủng đã kéo nhau xuống bờ sông, chắn ngang công nhân TQ. Khi họ nổ máy khoan, bà con nhào vào giằng quyết liệt. Cứ mỗi sáng, vợ tôi lại gói nắm cơm, nướng con cá khô dúi vào tay bảo: Xuống sông giữ đất với bộ đội. TQ mà dựng được nhà dưới sông là mình mất luôn nhà trên này đấy”.
“Ở cực bắc này, nếu không có BĐBP và mình không cảnh giác, thì phần đất cạnh mốc 428 sẽ bị mất trắng và đến con cá dưới sông, dân Lũng Cú cũng chẳng có mà câu, nữa là làm du lịch phát triển kinh tế như giờ”, ông Sùng Chúng Lầu ở thôn Séo Lủng (Lũng Cú) nói và chỉ cột cờ quốc gia kiêu hãnh vươn ngọn: “Đất đai này của 64 dân tộc anh em, người Mông ở Lũng Cú phải giữ cùng BĐBP thôi”.
(còn tiếp)
Mai Thanh Hải (Thanh Niên)