(GLO)- Gần 25 năm thực hiện Hiệp định Hợp tác Phát triển bền vững Lưu vực Mê Kông, các nước trong lưu vực sông Mê Kông đã không ngừng thúc đẩy, điều phối sự quản lý và phát triển bền vững dòng sông Mê Kông và các tài nguyên liên quan khác vì lợi ích chung của các nước và phúc lợi của người dân.
Ngày 5-4-1995, tại Chiang Rai (Thái Lan), Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông (Hiệp định Mê Kông) đã được thông qua để giám sát các hoạt động phát triển bền vững trên dòng sông của các quốc gia thành viên. Tại thời điểm đó, Hiệp định này được coi là “khung thể chế cho việc quản trị một nguồn nước quốc tế tiến bộ nhất”. Hiệp định đã thành lập một thể chế chung là Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC), một cơ quan liên chính phủ chính thống có mục đích thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực để quản lý hiệu quả việc sử dụng dòng sông.
Hiệp định Mekong 1995 là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Ảnh: Internet |
Có khẳng định, Hiệp định Mê Kông 1995 và sự ra đời của MRC đã ghi nhận những nhận thức mới của cả 4 quốc gia thành viên (Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan) trước những biến đổi về chính trị, kinh tế và xã hội trong khu vực. Trong khuôn khổ hợp tác mới, MRC đã đưa các quốc gia ven sông nói chung và Việt Nam nói riêng bước sang trang mới trong hợp tác khai thác, phát triển, quản lý và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong khu vực sông Mê Kông.
Hiệp định là căn cứ pháp lý quan trọng, quy định các nguyên tắc cơ bản và khung hợp tác chung cho các quốc gia thành viên trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn nước và các tài nguyên liên quan khác trong vùng hạ lưu sông Mê Kông, nhằm đạt được phát triển bền vững, góp phần thực hiện các chiến lược phát triển kinh tế và các chương trình trọng điểm các quốc gia thành viên trong vùng hạ lưu sông Mê Kông, đồng thời góp phần thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hiệp quốc và thực hiện các Công ước quốc tế khác liên quan quản lý, khai thác, phát triển tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Ðối với Việt Nam, Hiệp định Mê Kông năm 1995 là cơ sở pháp lý quan trọng (và cho tới nay là duy nhất về tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan trong lưu vực sông Mê Kông) để bảo vệ quyền lợi của Việt Nam đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Việt Nam luôn gương mẫu, thực hiện nghiêm túc Hiệp định Mê Kông, tích cực tham gia giải quyết các mâu thuẫn trong MRC, đóng góp tích cực nhất cho các chương trình hoạt động của Ủy hội cả về kinh phí, chuyên gia và thông tin số liệu. Hiệp định Mê Kông năm 1995 còn có ý nghĩa quan trọng trong tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các quốc gia trong lưu vực sông Mê Kông và các quốc gia khác trong khu vực.
Trong gần 25 năm qua, MRC đã đạt được những thành quả nổi bật như: Xây dựng khung pháp lý sử dụng tài nguyên nước và tăng cường đối thoại về phát triển tài nguyên nước trong vùng, đặc biệt thúc đẩy quá trình quy hoạch toàn lưu vực có tính điều phối thông qua quản lý tổng hợp tài nguyên nước; nghiên cứu thủy sản và đa dạng sinh học thủy sinh, đưa ra hỗ trợ quyết định môi trường; mở rộng và tăng cường mạng lưới giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu, thúc đẩy quản lý và giảm nhẹ tác động của lũ lụt và hạn hán; giúp các quốc gia thành viên mở rộng các cơ hội thương mại quốc tế thông qua phương tiện giao thông đường thủy an toàn, hiệu quả hơn và các khuôn khổ pháp lý cho giao thông đường thủy xuyên biên giới; xác định sự cân bằng giữa các cơ hội và nguy cơ của các dự án thủy điện đang được kiến nghị, khởi động quá trình giúp đỡ người dân trong lưu vực để thích ứng với biến đổi khí hậu; mở rộng hợp tác giữa MRC với các đối tác khu vực, vùng và quốc tế, bao gồm, các đối tác đối thoại (Trung Quốc và Myanmar) và các đối tác phát triển khác.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái) và lãnh đạo các nước Lào, Campuchia, Thái Lan thể hiện sự đoàn kết tại Hội nghị cấp cao lần thứ ba Ủy hội sông Mekong quốc tế. Ảnh: vnmc |
Trong Tuyên bố chung sau Hội nghị thượng đỉnh MRC lần thứ 3 tại Siem Riep (Campuchia) hồi tháng 4-2018, lãnh đạo của các quốc gia thành viên một lần nữa khẳng định vai trò quan trọng của MRC là một khung hợp tác vùng chủ đạo và khẳng định cam kết chính trị cao nhất của họ trong thực hiện hiệu quả Hiệp định Mê Kông năm 1995. Các nhà Lãnh đạo cũng khẳng định Lưu vực sông Mê Kông bên cạnh các cơ hội phát triển, cũng chịu các rủi ro về suy thoái môi trường, đa dạng sinh học, ảnh hưởng tới sinh kế cho người dân…
Tuyên bố chung cũng đã nhắc tới việc Ủy hội sông Mê Kông quốc tế gần đây đã hoàn thành Nghiên cứu chung về Quản lý và Phát triển lưu vực sông Mê Kông, bao gồm các tác động của dự án thủy điện trên dòng chính và khuyến nghị các kết quả của Nghiên cứu cần được xem xét kỹ lưỡng cả ở cấp vùng và quốc gia. Với tầm nhìn đến năm 2030 với mục tiêu Ủy hội sông Mê Kông quốc tế sẽ tự chủ về tài chính, các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định tình đoàn kết và tinh thần Mê Kông là yếu tố vô cùng quan trọng trong thời gian tới.
PV (th)