(GLO)- 70 năm trước, ngày 10-12-1948, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, thể hiện khát vọng của nhân loại về những gì tốt đẹp nhất phải có để mỗi người được sống đúng nghĩa là “con người”. Tuyên ngôn đã tạo ra động lực to lớn, thành nguồn cảm hứng cho mọi cá nhân, tổ chức và các thực thể xã hội đẩy mạnh các hoạt động vì một cuộc sống tốt đẹp, nhân văn.
Ảnh nguồn internet |
Tại Việt Nam, nỗ lực đảm bảo quyền con người đã trở thành mục tiêu quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, nhất là trong hơn 30 năm đổi mới. Đảm bảo quyền con người, đặt con người ở trung tâm của mọi chính sách phát triển, thực hiện các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên... là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt, Hiến pháp 2013 đã thể hiện sự thay đổi rất lớn nhận thức về quyền con người và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Theo đó, mọi người có quyền sống, quyền có nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về thân thể, về nhà ở, về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình; được pháp luật bảo hộ quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người, hiến xác theo quy định của luật.
Đây là cơ sở pháp lý, là tiền đề quan trọng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người. Chỉ trong hơn 4 năm, chúng ta đã bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới 96 luật, pháp lệnh liên quan đến việc bảo đảm quyền con người, quyền công dân.
Tuy nhiên, việc tuyên truyền, phổ cập kiến thức về quyền con người vẫn còn hạn chế. Việc đưa nội dung giáo dục về quyền con người vào trường học còn khá mới mẻ, chưa được quan tâm xứng đáng cả nội dung và thời lượng. Đây chính là khó khăn lớn nhất trong việc thực hiện quyền con người ở Việt Nam. Có một thực tế là nhiều người chưa biết quyền lợi của mình khi bị người khác xâm phạm. Nhiều vụ việc do không nhận thức đầy đủ về quyền con người mà dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, như chuyện công khai hình ảnh, danh tính của những phụ nữ bán dâm, lạm dụng quyền lực trong trường học, cha mẹ xâm phạm đời tư của con cái, tung clip đánh ghen hay nhục mạ, vu khống người khác trên mạng xã hội…
Quyền con người (nhân quyền) là lĩnh vực khá phong phú, đa diện nên luôn có những nhận thức khác nhau nhưng đánh giá tình hình nhân quyền của một quốc gia cần tuân thủ pháp luật nhân quyền quốc tế. Chính bởi sự nhận thức còn phiến diện, chủ quan của một số cá nhân, tổ chức quốc tế mà nhiều năm qua, thi thoảng chúng ta vẫn nghe một số ý kiến chỉ trích, thể hiện rõ ý đồ o ép về chính trị đối với Nhà nước Việt Nam liên quan đến vấn đề “quyền con người”, mặc dù chúng ta luôn bác bỏ và chứng minh điều đó là không có thực.
Đơn cử như “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí”… Đây là một quyền rất phổ biến, mang tinh thần dân chủ sâu đậm, nhằm phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc giám sát, phản biện xã hội bằng báo chí, được Hiến pháp và pháp luật Việt Nam quy định nhưng cũng đã bị một số đối tượng cố tình hiểu sai lệch, lợi dụng để xuyên tạc, cộng thêm sự kích động, lôi kéo của các tổ chức phản động, chống đối dẫn đến có những hành vi vi phạm quyền tự do ngôn luận của người khác, phát tán những tin bài, hình ảnh trên mạng để nói xấu, bôi nhọ danh dự của một số cá nhân, tổ chức, nhằm hạ thấp uy tín của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đòi đa nguyên chính trị… tạo cớ kêu gọi các tổ chức quốc tế gây sức ép với Nhà nước ta về tự do nhân quyền, hòng đạt mục đích, động cơ cá nhân của mình.
Trong khi trên thực tế, Hiến pháp 2013 cũng xác nhận quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình… của người dân. Với hệ thống truyền thông báo chí khá phong phú, đa dạng, báo chí nước ta đã trở thành diễn đàn của đa số người dân. Thông qua các cơ quan báo chí, người dân có thể bày tỏ quan điểm, nguyện vọng về mọi vấn đề của đời sống xã hội.
Tháng 9-2017, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa nội dung quyền con người vào giảng dạy trong hệ thống giáo dục quốc dân, từ bậc mầm non đến đại học. Mục tiêu là đến năm 2025 có 100% cơ sở trường học tổ chức giảng dạy về quyền con người. Đề án kỳ vọng sẽ khắc phục căn bản những hành vi vi phạm quyền con người.
Hiểu đúng quyền con người không chỉ để mỗi cá nhân, tập thể luôn hành động đúng trên tinh thần tôn trọng quyền con người mà còn góp phần xây dựng xã hội ổn định, dân chủ, văn minh.
Nguyễn Vân