Hiệu quả của hình thức "vòng đổi công"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hiện nay, dù nhiều công việc đồng ruộng đã được cơ giới hóa, giúp  người nông dân giải phóng sức lao động. Tuy nhiên, nhiều công đoạn trong sản xuất vẫn cần đến lao động chân tay nên việc làm đổi công, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh ta được duy trì, coi trọng.

Nhóm đổi công của bà con làng Tar, xã Kon Chiêng đang trồng dặm lại lúa. Ảnh. Đ.Y

Tại cánh đồng làng Tar (xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang) những ngày này, gia đình chị Hà Thị Nừng đang tập trung cấy giặm lúa trên thửa ruộng bị ảnh hưởng do hạn hán. Chị Nừng chia sẻ: Nhà mình neo người nên để chăm sóc lúa cho kịp thời vụ, mình phải đổi công với một số hộ trong làng. Nếu không đổi công, gia đình mình có 3 người làm phải mất hàng tuần mới xong. Như vậy, lúa sẽ phát triển không đều. Việc đổi công này, hộ nào cần thiết hơn thì làm trước cho hộ đó. Qua việc đổi công, người dân còn học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất.

Bà Đinh Thị Kuenh-Chủ tịch Hội phụ nữ xã Kon Chiêng, cho rằng: “Đổi công là phương thức sản xuất có từ lâu trong đời sống sản xuất của bà con dân tộc thiểu số. Đây là việc làm phổ biến và phù hợp với lối canh tác nông nghiệp của bà con. Đổi công không chỉ giúp người dân giải quyết dứt điểm công việc mà còn là nét đẹp văn hóa trong cộng đồng, góp phần xây dựng khối đoàn kết, gắn bó, tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống, giảm chi phí sản xuất và giúp nhau tăng thu nhập kinh tế hộ”.

Việc đổi công của bà con dân tộc thiểu số dù vẫn có những quy định thống nhất về ngày công, về số người tham gia lao động, song việc “trả công” thì hoàn toàn có thể linh động. Bà con không quá sòng phẳng với việc một công phải đổi lấy một công mà chủ yếu là thực hiện theo tinh thần tự nguyện với mục đích tương trợ lẫn nhau trong lao động sản xuất. “Việc đổi công mục đích chính là hỗ trợ nhau trong sản xuất, giúp giảm chi phí thuê nhân công, tăng thu nhập cho mỗi gia đình. Vào những vụ thu hoạch chính, các thành viên trong nhóm nhận thấy việc của nhà nào cần làm trước thì giúp làm trước, ngày hôm sau đến hộ khác. Công việc cứ lần lượt được giải quyết, hộ nào cũng được giúp bằng tinh thần tự giác như làm việc của nhà mình vậy... Nói chung là việc đổi công có nhiều lợi ích”-ông Đinh Huyên, Bí thư chi bộ làng Broch (xã An Trung, huyện Kông Chro), cho biết.

Trong quá trình tìm hiểu về việc đổi công của bà con đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã nghe được rất nhiều ý kiến về giá trị, ý nghĩa và mục đích của việc làm này. Ông Y Ren-Chủ tịch UBND xã Hà Bầu (huyện Đak Đoa), cho biết: Xã có 13 thôn-làng thì vào mùa vụ gieo trồng, thu hoạch lúa, mì, cà phê, tiêu… tôi thấy người dân thôn làng nào cũng thực hiện đổi công. Mỗi thôn làng, họ chia ra nhiều nhóm đổi công. Có nhóm là anh em dòng họ, có nhóm đổi công chỉ là người làng, hàng xóm. Tôi thấy hiệu quả của việc này rất tốt. Không có đổi công thì một mình làm lâu lắm. Những ngày được nghỉ, tôi cũng tham gia đổi công với bà con trong dòng họ, thấy việc đổi công rất ý nghĩa, tạo động lực cùng nhau phấn đấu, vươn lên làm giàu”.

Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm