Hiệu quả từ dự án mô hình tưới tiết kiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dự án, áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước đã giúp người nông dân tại tỉnh Gia Lai sử dụng nguồn nước tưới, phân bón và công lao động một cách có hiệu quả. Mô hình không chỉ giúp người dân giải quyết vấn đề khó khăn về nước sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, tăng thu nhập mà còn góp phần quan trọng bảo vệ tài nguyên nước, bảo vệ môi trường trên những vùng đất khô cằn.
Dự án IDE được triển khai trên địa bàn huyện Đak Pơ từ năm 2018 và đến nay có 180 hộ dân ở 6/8 xã của huyện Đak Pơ được hưởng lợi; trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 50%. Dự án hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt cho mỗi hộ dân với giá trị khoảng 2,5 triệu đồng.
 
Trên 2 sào đất, gia đình chị Đinh thị Om ở làng Jro Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) trồng ớt là chủ yếu. Do tưới bằng phương thức thủ công nên vừa tốn công, tốn phân bón và đất bị rửa trôi nhanh bạc màu. Đầu năm 2020, gia đình chị được hỗ trợ hệ thống tưới nhỏ giọt từ dự án IDE thì những hạn chế trên đã được khắc phục và giúp tăng năng suất cây trồng.
Chị Đinh thị Om, cho biết: “Được dự án IDE hỗ trợ hệ thống tưới bằng péc thì rất phấn khởi. Tưới nhỏ giọt thì rất lợi, thứ nhất là lợi phân, thứ hai lợi nước, lợi được công nữa và cây sinh trưởng và phát triển tốt”.
 
Vườn rau màu của gia đình Đinh Văn Linh làng Jro Ktu (xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) vẫn xanh mướt. Có được kết quả này là do gia đình anh Linh được hỗ trợ tưới nhỏ giọt đến tận gốc.
 
Gia đình ông Trần Văn Lân ở thôn 1 (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) có 3 sào đất trồng ớt; trong đó, 1 ha lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tưới bằng péc. Nhờ đó mỗi lần tưới đều không lãng phí nguồn nước, tiết kiệm được tiền điện…
 
Anh Đào Văn Long ở thôn 2 (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) cho biết: "Trước đây người dân thường căn theo sự ước lượng, kinh nghiệm, có khi tưới đến 4-5 giờ, vừa lãng phí nhân công, vừa lãng phí nước. Từ khi áp dụng mô hình tưới tiết kiệm, gia đình kiểm soát được lượng nước tưới vừa đủ nhu cầu nước của cây, không bị lãng phí".
 
Thấy được những lợi ích kinh tế từ mô hình, đến nay toàn xã đã có 135 hộ tự đầu tư lắp đặt, với tổng diện tích đất sản xuất hơn 1,5 ha; với hai phương thức tưới chủ yếu là phun mưa và nhỏ giọt, tưới hầu hết trên tất cả các loại cây từ rau màu ngắn ngày như ớt, dưa leo, khổ qua… anh Đinh Văn Nhoắc phụ trách dự án IDE ở xã Yang Bắc nói.
 
Anh Đinh Anhuyn (làng Jro Ktu, xã Yang Bắc, huyện Đak Pơ) cũng cho biết: “Trước đây, nhà mình chủ yếu là trồng mỳ; từ khi sử dụng hệ thống tưới nhỏ giọt thì đã chuyển khoảng 5 sào sang trồng dưa leo, khổ qua và ớt, cho thu nhập cao hơn so với trồng mỳ. Bình quân mỗi năm gia đình cho thu nhập hơn 60 triệu đồng.
 
Bà Trương Thị Thiên Lý, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ nói: Khi tham gia dự án, nông dân được hướng dẫn lắp đặt. Về mặt lợi ích, thứ nhất là tiết kiệm được nước, thứ hai là tiết kiệm được phân bón, thứ ba là công lao động. Từ đó thì làm tăng năng suất, hiệu quả của cây trồng và sẽ đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân. Từ đó, cũng đã làm thay đổi suy nghĩ của bà con, đặc biệt là đối với người dân tộc thiểu số thì họ biết áp dụng tưới tiết kiệm sẽ đem lại hiệu quả cao hơn tưới thủ công”.
ĐỨC THỤY

Có thể bạn quan tâm