Hiệu quả từ mô hình "Học bán trú-nuôi nội trú"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tuy học bán trú nhưng hơn 5 ngàn học sinh vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang được ăn ở, học tập theo chế độ nội trú cùng với sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ sư phạm vùng khó.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 25 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học, THCS tại những vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của 8 huyện: Đức Cơ, Đak Đoa, Chư Sê, Phú Thiện, Krông Pa, Mang Yang, Kông Chro và Kbang.

 

Học sinh học tập theo mô hình “Học bán trú-nuôi nội trú” tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang).                                                                                                                               Ảnh: N.G
Học sinh học tập theo mô hình “Học bán trú-nuôi nội trú” tại Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Kon Pne (huyện Kbang). Ảnh: N.G

“Học bán trú-nuôi nội trú”       

Tại Trường PTDTBT THCS Trần Kiên (xã Hà Đông, huyện Đak Đoa), hàng trăm học sinh ở những làng cách trường 5-7 km được ăn ở nội trú tại trường. Em Wen-học sinh lớp 6 (làng Kon Sơ Lôk, xã Hà Đông) nói: “Nhà em ở rất xa trường, nếu hàng ngày phải đi bộ tới trường rồi đi bộ về nhà thì chắc em không đủ sức. Ở trường có chỗ ngủ tốt, được ăn cơm ba bữa. Ngoài giờ học ở lớp, chúng em còn được thầy cô dạy thêm vào các buổi tối”.

Có thêm nhiều thời gian và được tạo điều kiện nên ý thức học tập của học sinh cũng tốt hơn. Thầy Nguyễn Văn Thành-Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Trần Kiên, cho biết: “Từ khi chuyển đổi sang mô hình học bán trú-nuôi nội trú vào năm 2013, nhà trường duy trì sĩ số học sinh trên 98%, chất lượng giáo dục đại trà nhờ đó cũng được nâng lên đáng kể”.

Huyện Kbang có mô hình “Học bán trú-nuôi nội trú” phát triển mạnh mẽ với 9/25 trường trong toàn tỉnh. “Qua nhiều năm thực hiện mô hình, chất lượng giáo dục bậc Tiểu học và THCS ở Kbang thay đổi rất tích cực. Đến nay, tại các cơ sở giáo dục không còn tình trạng học sinh ngồi nhầm lớp, học vẹt hay yếu tiếng Việt. Vấn đề duy trì sĩ số học sinh ở những vùng học sinh dân tộc thiểu số đã được giải quyết với trên 98% học sinh đi học chuyên cần”-ông Lê Thanh Hải-Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kbang, cho biết.

Nỗ lực vượt khó của thầy-cô giáo

Nếu chỉ ở lại ăn buổi trưa để được học 2 buổi/ngày thì việc duy trì sĩ số học sinh ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất khó khăn bởi đường đến trường xa xôi, nhiều vùng giao thông còn cách trở. “Muốn phát huy hiệu quả của mô hình học bán trú này, không còn cách nào khác là động viên thầy-cô giáo dành hết tâm huyết cho học trò mà không được nhận thêm nguồn trợ cấp nào”-ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết. Cũng theo ông Lê Duy Định, học sinh trường PTDTBT chỉ được hưởng trợ cấp 40% so với mức lương cơ bản (học sinh nội trú hưởng 70%), nhưng nay tổ chức cho các em ăn, ở nội trú đồng nghĩa với việc thầy cô phải hy sinh thời gian, công sức để lo cho các em.

Nhiều cán bộ, giáo viên các trường PTDTBT tại huyện Kbang đã có những “mùa hè không nghỉ” để tập trung làm thư viện ngoài trời, nhà ăn, sân chơi, nhà vệ sinh cho học sinh bán trú. Không ít trường tranh thủ 3 tháng nghỉ hè làm vườn rau, xây dựng chuồng trại để tăng gia phục vụ thêm cho 3 bữa ăn của học sinh trong năm học mới. Học sinh chỉ được Nhà nước hỗ trợ 1 bữa ăn/ngày nhưng nay phát sinh thêm 2 bữa ăn/ngày là cả một nỗi lo lớn của thầy-cô giáo tại các trường “Dạy bán trú-nuôi nội trú”. Cô Nguyễn Thị Hương (giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong) cho hay: Không chỉ đảm nhận nhiệm vụ trồng hoa trong khuôn viên trường để tạo cảnh quan, trồng và chăm sóc rau xanh, nuôi heo phục vụ bữa ăn cho học sinh mà cô còn mở ra những lớp học tình thương vào các mùa hè để củng cố kiến thức cho các em. Cô bày tỏ: “Không chỉ riêng tôi mà tất cả giáo viên ở đây đều mong muốn học sinh có một cuộc sống đầy đủ hơn khi ở trường, giúp các em cảm thấy thoải mái, khỏe mạnh để hứng thú hơn với việc học. Do nhà ở gần trường nên tôi có nhiều thời gian để giúp đỡ học sinh cũng như những công việc ngoài giờ lên lớp nhằm cải thiện cuộc sống nội trú của các em”.

 

Ông Lê Duy Định-Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: “Sự ra đời của hệ thống trường PTDTBT trong những năm gần đây đã đáp ứng nhu cầu cấp thiết đối với một tỉnh miền núi như Gia Lai. Mô hình học tập này đã giải quyết được những khó khăn trong việc huy động và duy trì học sinh ra lớp đúng độ tuổi, giúp giảm sâu số học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần vì phải theo cha mẹ lên nương rẫy khi tới mùa vụ sản xuất...”.

Thầy Dương Văn Phúc-Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Krong cho biết thêm: “Không những lo đủ bữa ăn cho các em, chúng tôi còn vận động quyên góp quần áo, giày dép cũ để các em có cuộc sống tốt hơn khi ở trường. Chúng tôi cũng kết nối với các Mạnh Thường Quân để xin hỗ trợ sách, vở, đồ dùng học tập cho học sinh nhằm đáp ứng mọi nhu cầu học tập, sinh hoạt tại trường; phân công cán bộ, giáo viên trực nội trú để quản lý các em trong việc ăn, học, ngủ buổi tối... Để làm tốt tất cả những việc đó, giáo viên thực sự đã dành hết tâm huyết cho học trò bởi không ai nhận được thêm một khoản trợ cấp làm việc nội trú nào cả”.

Nguyễn Giang

Có thể bạn quan tâm