Hiệu quả từ mô hình nông dân tham gia bảo vệ môi trường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với sự hỗ trợ kinh phí từ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Gia Lai đã xây dựng mô hình điểm “Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn” tại 4 thôn trên địa bàn xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah. Gần 1 năm triển khai thực hiện, mô hình này đã nhân rộng thêm ở 7 thôn khác, cho thấy hiệu ứng tích cực từ dự án đã lan tỏa trong cộng đồng khi nông dân góp phần xây dựng nông thôn xanh-sạch-đẹp...

Dự án “Hội Nông dân thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn” là một chương trình nằm trong phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hỗ trợ kinh phí cho Hội Nông dân tỉnh thực hiện. Dự án đã bắt đầu từ tháng 6-2012 với việc lựa chọn 4 thôn: 4, 8, 9, 10 (bao gồm 681 hộ, 3.765 khẩu) của xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Pah để triển khai mô hình điểm.

 

Nông dân xã Ia Pết nạo vét kênh mương.

Để xây dựng thành công mô hình, việc thay đổi nhận thức-ý thức của người dân trong công tác bảo vệ môi trường là vô cùng quan trọng. Do vậy, ngay bước đầu, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức bảo vệ môi trường; kỹ thuật thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình cho 90 cán bộ và hội viên nòng cốt tại 4 thôn tham gia dự án và Chi hội trưởng chi hội Nông dân các thôn, làng của xã Nghĩa Hưng. Với vai trò nòng cốt, Hội cũng đã thành lập các Ban quản lý cấp tỉnh, huyện và ban điều hành cấp xã để trực tiếp chỉ đạo xây dựng 4 câu lạc bộ và 30 tổ tự quản tại các thôn tham gia dự án.

Từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam là 110 triệu đồng, nhân dân vùng dự án tham gia đóng góp 107,6 triệu đồng; Hội đã vận động 681 hộ dân mua sọt đựng rác trong gia đình, đồng thời đứng ra ký hợp đồng thuê xe thu gom vận chuyển rác thải đều đặn 2 lần/tuần.

Qua gần 1 năm triển khai thực hiện tại xã Nghĩa Hưng, dự án “Thu gom, phân loại và xử lý chất thải, rác thải nông thôn” đã tạo được hiệu ứng tích cực từ trong cộng đồng khi người dân nhận thức rằng, giữ gìn môi trường sạch-đẹp bằng những hành vi đơn giản nhất, đời thường nhất là đang góp phần bảo vệ môi trường sống của chính mình. Chất lượng cuộc sống khu vực nông thôn ngày một tốt hơn khi từ đường làng, ngõ xóm khang trang sạch đẹp, không còn cảnh vứt rác sinh hoạt bừa bãi.

Nếu như trước đây, do cuộc sống khó khăn nên đại bộ phận người dân trong xã không mấy quan tâm đến việc thu gom, xử lý rác thải; khối lượng rác thải ra môi trường rất lớn nhưng việc xử lý theo kiểu tự phát, mỗi nhà làm mỗi kiểu như chôn lấp, đốt rác hoặc vứt đi... nhưng, từ khi tham gia mô hình này các hộ nông dân tự giác phân loại rác tại nguồn, sử dụng sọt đựng rác và định kỳ thu gom đổ rác theo lịch điều tiết của các tổ tự quản. Tham gia dự án, xã Nghĩa Hưng cũng đã hình thành bãi rác chung tại dốc đèo 40, có diện tích 0,5 ha để phục vụ công tác tập kết, xử lý rác thải tập trung.  

Là người trực tiếp tham gia dự án ngay từ đầu, ông Quảng Văn Dựng-Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hưng vô cùng phấn khởi khi dự án đạt được hiệu quả tích cực và có  sức lan tỏa. Ông Dựng cho biết, hầu hết nông dân rất đồng tình, hưởng ứng chủ trương chung của Hội, tích cực tham gia góp sức-chung tay bảo vệ môi trường sống bằng hành động đơn giản, thiết thực mỗi ngày là thu gom, phân loại rác tại nguồn. Hiện nay, Hội Nông dân xã đã mở rộng mô hình tại 7 thôn, nâng số thôn tham gia dự án lên 11 thôn và tiếp tục củng cố hoạt động của các câu lạc bộ, tổ tự quản để nâng cao chất lượng dự án...

Sơn Ca

Có thể bạn quan tâm