Hiệu quả từ mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Với mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch”, phụ nữ thôn 1 (xã Nghĩa Hưng-huyện Chư Pah) đã góp phần cung ứng nguồn thực phẩm sạch bảo đảm chất lượng cho người dân trên địa bàn; hạn chế ô nhiễm môi trường và dịch bệnh cũng như cải thiện đời sống cho hội viên phụ nữ.

“Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Nghĩa Hưng đã nhận thấy sự cần thiết của việc sản xuất thực phẩm sạch, tiêu dùng sạch nên đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên hội phụ nữ thôn 1 trồng rau, chăn nuôi theo mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch”. Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, mô hình đã mang lại hiệu quả cao và thực sự có ý nghĩa”-chị Phạm Thị Thoa (Chủ tịch Hội LHPN xã Nghĩa Hưng-huyện Chư Pah) cho biết.

 

Nguồn thực phẩm sạch phong phú do chị em phụ nữ trong thôn tự gieo trồng, chăm sóc. Ảnh: Trần Dung

Hơn 70% hội viên Hội Phụ nữ thôn 1 đã tham gia mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch”. Thời gian đầu, Hội Phụ nữ thôn đã tích cực vận động hội viên phụ nữ mạnh dạn tham gia phát triển kinh tế hộ gia đình, trong đó tập trung xây dựng mô hình trồng rau và chăn nuôi an toàn. Tham gia mô hình, mỗi hộ gia đình trong thôn đều dành những khoảng vườn nhỏ để trồng rau và chăn nuôi heo, gà, vịt... theo đúng quy trình sản xuất thực phẩm sạch. Khi triển khai mô hình, các hội viên cũng đã được học tập kinh nghiệm về phương pháp sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu theo đúng quy trình khoa học... nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình và người tiêu dùng.

Rau xanh là món ăn không thể thiếu trong bữa ăn của mỗi gia đình và để tránh phải đối mặt với các loại rau, quả tồn dư thuốc trừ sâu, thuốc kích thích, hóa chất gây bệnh, mỗi hội viên đã chủ động gieo trồng các loại rau phục vụ cho bữa ăn hàng ngày như: súp lơ, su hào, rau cải, rau muống, đu đủ, bí xanh, mướp… Với hình thức mùa nào rau nấy, các chị đã tìm hiểu và trồng rau theo hình thức xen kẽ, luân canh để làm phong phú nguồn thực phẩm. Ngoài ra, nhiều hộ còn trồng thêm ngô để phục vụ cho việc chăn nuôi heo, gà, vịt... Chị Phạm Thị Hái (Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn 1) cho hay: “Mục đích của mô hình là tạo điều kiện cho chị em hội viên giúp nhau trong việc trồng rau an toàn, cung cấp nguồn rau sạch cho gia đình và người dân trên địa bàn, đảm bảo sức khỏe cho mọi người. Hầu như  thực phẩm chúng tôi sản xuất hoàn toàn không sử dụng tới thuốc bảo vệ thực vật. Trường hợp có sử dụng phân bón, chúng tôi chú ý tuân thủ thời gian cách ly từ khi bón phân, phun thuốc trừ sâu đến khi thu hoạch rau từ 10 đến 15 ngày để phân hủy hết dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, bảo đảm chất lượng cây rau an toàn”.

Thời gian đầu, mô hình "Sản xuất thực phẩm sạch” nhằm đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho gia đình, tuy nhiên, sau một thời gian phát triển tốt và mang lại hiệu quả cao, lượng thực phẩm sạch đã được chị em phụ nữ trong thôn đem ra phục vụ người dân trên địa bàn xã.

Hiện nay, trung bình mỗi hộ gia đình trong thôn chăn nuôi khoảng 10 đến 20 con heo và 20 con gà (vịt). Ngoài việc “tự cung-tự cấp” thì nay, mỗi hội viên phụ nữ trong thôn đã cải thiện thu nhập gia đình bằng nguồn thực phẩm sạch của mình. “Từ lúc áp dụng việc trồng rau và chăn nuôi theo mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch”, gia đình tôi lúc nào cũng có rau sạch và tươi ngon để ăn. Hầu như mấy năm nay, tôi không phải mua thịt gà, thịt vịt hay rau xanh ở ngoài chợ. Bây giờ, chị em trong thôn đều biết cách phân biệt rau, quả an toàn với rau quả dùng thuốc tăng trưởng; cá tươi và cá bị ướp phân u rê, hay cách nhận biết thịt heo tăng trọng… Đây là những kinh nghiệm được chúng tôi rút ra từ việc nuôi trồng thực phẩm sạch. Hầu như phụ nữ trong thôn đều yên tâm chăm lo những bữa ăn cho gia đình”-cô Nguyễn Thị Lương (hội viên Hội Phụ nữ thôn 1) chia sẻ.


Với tình hình “loạn” thực phẩm không an toàn như hiện nay thì mô hình “Sản xuất thực phẩm sạch” của chị em phụ nữ thôn 1(xã Nghĩa Hưng) thực sự trở thành địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng trên địa bàn.

Trần Dung 

Có thể bạn quan tâm