Thời sự - Bình luận

Hỗ trợ để hồi phục

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra từ ngày 13 - 22.9 đang được nhiều doanh nghiệp, người dân trông đợi vào những giải pháp về miễn, giảm thuế cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19... sẽ được xem xét, thông qua.

Ở thời điểm này, hầu hết các địa phương đang giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ đã tính tới kịch bản mở cửa kinh tế trở lại. Các doanh nghiệp (DN) tất nhiên, cũng sẵn sàng cho việc tái xuất nhưng chưa cần “khám tổng quát” thì chúng ta đều biết, họ sức đã kiệt, lực đã cùng. Thế nên các chính sách hỗ trợ lúc này là vô cùng quan trọng để “hà hơi tiếp sức” cho họ hồi phục.

Trước đó hồi cuối tháng 7, Bộ Tài chính đã kiến nghị hỗ trợ giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và các tổ chức khác có tổng doanh thu không quá 200 tỉ đồng như đã áp dụng năm 2020. Đồng thời, giảm 50% số thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý 3 và 4 của năm 2021 đối với hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai, nộp thuế. Bên cạnh đó, giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật, báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác... Riêng những DN và tổ chức phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, 2019 và 2020, Chính phủ đề xuất cho miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và 2021. Đây là 2 năm dịch Covid-19 xuất hiện và có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ở thời điểm đó, đã có nhiều góp ý cho các đề xuất nói trên. Về cơ bản, đây là gói hỗ trợ đại trà các DN vừa và nhỏ (doanh thu dưới 200 tỉ đồng), thế nhưng các DN này đa số hoạt động cầm chừng hoặc đóng cửa nên miễn, giảm thuế thu nhập DN không có tác dụng. Trong khi ở giai đoạn này, chúng ta cần những chính sách đặc thù, đúng đối tượng để họ vực dậy sau một thời gian quá dài đối mặt với dịch bệnh. Vì thế, nhiều DN cho rằng, nên giảm các loại thuế khác như VAT, thuế xuất nhập khẩu... sẽ thiết thực hơn. Đặc biệt, việc “bỏ quên” người làm công ăn lương trong các kiến nghị, đề xuất miễn, giảm, giãn thuế trong suốt gần 2 năm dịch bệnh kéo dài vừa qua dù họ cũng bị tác động mạnh mẽ khiến họ cảm thấy “tủi thân”, chưa được đối xử bình đẳng.

Chưa bao giờ, DN, người dân mong chờ các giải pháp hỗ trợ từ nhà nước như thế này. Bởi vì cũng chưa bao giờ, họ đối mặt với khó khăn như lúc này. Giãn cách kéo dài, chi phí hoạt động tăng cao, thực hiện các giải pháp 3T nếu muốn duy trì sản xuất, hộ kinh doanh cá thể đóng cửa phòng dịch, người dân ở nhiều tỉnh - thành trên cả nước “ở đâu ở đó”... Thế nên bên cạnh các giải pháp về thuế, cần đồng bộ các giải pháp hỗ trợ lãi suất, thủ tục hành chính, cũng như mở cửa dần để họ có thể bắt đầu lại các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Dịch bệnh đặc thù, khó khăn đặc thù, vì vậy cần phải có các chính sách hết sức đặc thù, đặc biệt, đúng và trúng để DN, người dân vượt qua đại dịch.

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm